Thứ 7, 23/11/2024, 22:40[GMT+7]

“Chiến đấu” trong thời bình

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:41:45
5,071 lượt xem
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, những vết thương trên cơ thể người lính đã dần lành và màu xanh của thiên nhiên, cây cỏ đã xóa đi dấu tích của một thời lửa đạn. Nhưng vẫn còn đó vết thương không mảnh đạn, không rách thịt, đổ máu mà vẫn hiển hiện từng ngày, từng giờ trong cuộc sống của biết bao con người. Đó chính là nỗi đau da cam.

Ông Lại Văn Biên, thôn Tường An, xã Tân Hòa (Vũ Thư) với những thành tích đạt được trên chiến trường xưa.

Thời hoa lửa…


Là con trai duy nhất trong một gia đình có 3 anh chị em, năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Đức Đỉnh, thôn Đồng Vi, xã Đông La (Đông Hưng) viết đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hơn 3.000 ngày đêm, bước chân người lính pháo binh ấy đã đi khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Những trận sốt rét run người, những đêm băng rừng, lội suối hành quân không nghỉ vẫn không làm nhụt chí người lính trẻ. Anh luôn tâm niệm một điều: Nếu ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc... Cuối năm 1968, trong một trận quyết chiến với kẻ thù, Lê Đức Đỉnh đã bị thương và phải chuyển về miền Bắc để điều trị. Vết thương chưa lành, anh lại tiếp tục xung phong lên chiến tuyến. Năm 1971, trên đường hành quân tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, tiểu đội của anh bị trúng bom Mỹ. May mắn hơn 2 đồng đội đi cùng, anh Đỉnh thoát chết. Thế nhưng cho đến tận bây giờ, hình ảnh hai đồng đội trút hơi thở cuối cùng trên tay mình vẫn là niềm day dứt khôn nguôi trong tâm khảm người cựu chiến binh ấy. Không những thế, chiến tranh còn gây ra cho ông một nỗi đau dai dẳng khác mang tên “chất độc da cam”.


Cũng sinh ra trên “quê hương năm tấn” và cùng tham gia đánh Mỹ tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm xưa, nhưng may mắn hơn ông Lê Đức Đỉnh, ông Lại Văn Biên, thôn Tường An, xã Tân Hòa (Vũ Thư) không bị vết đạn nào trên cơ thể. Vậy nhưng vết thương không mảnh đạn đang hàng ngày giày xéo tâm can ông. Tháng 8/1972, ông Biên nhập ngũ tại Tiểu đoàn 46, Quân đoàn 4, bổ sung cho lực lượng quân đội. Nhiệm vụ của một người lính trinh sát như ông luôn luôn phải đối mặt với những hiểm nguy đầu tiên. Thế nhưng, ông luôn luôn chiến đấu với tinh thần quật cường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày ấy, ông đã từng chứng kiến sự hy sinh của biết bao đồng đội, đã từng nếm trải cuộc sống gian khổ nơi rừng thiêng, nước độc. Ông không thể quên được khung cảnh rất lạ khi cả rừng cây trút lá giữa mùa hè. Mãi sau này, người lính già ấy mới lý giải được hiện tượng kỳ lạ này là do cây rừng bị nhiễm bởi chất độc da cam/Điôxin. Và chính cái thứ chất độc quái ác ấy đã và đang hành hạ ông và các con ông, trở thành nỗi đau dai dẳng đeo bám cả gia đình.


“Chiến đấu” trong thời bình


Ngày rời quân ngũ trở về cũng là ngày ông Lê Đức Đỉnh đem theo trong mình chất độc da cam/Điôxin mà bản thân ông cũng không hề biết. Như bao người lính khác trở về quê hương sau chiến trận, ông Đỉnh lấy vợ rồi sinh con. Niềm vui không trọn vẹn khi trong 5 người con mà ông sinh ra thì có tới 3 người bị khuyết tật. Người con trai thứ nhất có bàn tay phải 6 ngón dị thường. Cô con gái thứ hai tuy cơ thể lành lặn nhưng đầu óc lại “khác thường”, bị câm điếc bẩm sinh. Anh con trai thứ ba càng lớn càng bị teo chân trái. Hai vợ chồng ông lo thuốc thang chạy chữa khắp nơi với hy vọng các con có một cơ thể khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu. 3 người con của ông cứ thế lớn lên dị thường. Cho đến sau này khi biết được trong cơ thể mình mang chất độc da cam/Điôxin và chính mình là người gián tiếp gây ra nỗi đau cho các con, người cha già ấy đau đớn vô cùng.


Cũng giống như ông Đỉnh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, ông Lại Văn Biên trở về quê nhà và lập gia đình. Tưởng rằng sau những năm tháng chiến đấu ác liệt, gian khổ ngoài chiến trường thì cuộc đời ông sẽ được hưởng hạnh phúc. Nào ngờ, từ khi sinh con, nỗi đau cứ nối tiếp nỗi đau chồng chất lên gia đình ông. Người con trai lớn chào đời lành lặn nhưng lại bị khiếm khuyết thần kinh. 2 năm sau, vợ chồng ông sinh người con trai thứ hai khỏe mạnh, bụ bẫm. Nhưng niềm vui chẳng tày gang khi càng lớn hai chân của cậu con trai cứ vắt chéo vào nhau, cơ thể cứ thế teo dần và chỉ nằm một chỗ. Đau xót hơn, cậu con trai út được sinh ra lành lặn nhưng càng lớn càng có biểu hiện giống người con trai thứ hai. Cho đến tận bây giờ, dù đã  hơn 40 tuổi nhưng thân hình 2 người con trai của ông Biên vẫn chỉ như 2 đứa trẻ, cả ngày đêm nằm co quắp, còng queo trên giường. Mọi sinh hoạt hàng ngày đè nặng lên đôi vai gầy của người cha già và tấm lưng còng của người mẹ. Nuốt nước mắt vào trong, ông Biên kể: Trước đây, trong nhiều lần hành quân cùng đơn vị, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh máy bay Mỹ lượn trên đầu và phun nước gì đó trắng như nước vôi. Chỉ vài ngày sau, toàn bộ cây ở cánh rừng đó rụng hết lá. Lúc đó cả đơn vị không ai biết chúng rải chất độc nên không phòng tránh gì, mà chỉ đi lùng máy bay tiêu diệt. Cho đến mãi sau này tôi mới biết đó là chất độc da cam/Điôxin. Có ai ngờ chất độc quái ác đó đã ngấm sâu vào máu thịt nên tôi đã sinh ra những đứa con không lành lặn, đáng thương như vậy.

Ông Lê Đức Đỉnh chăm sóc con gái bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin.


Thái Bình là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hơn 50 vạn người con quê hương Thái Bình đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó, trên 51.000 người đã anh dũng hy sinh, gần 33.000 thương binh, bệnh binh, trên 24.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Gia đình ông Đỉnh, ông Biên chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp là nạn nhân của chất độc da cam/Điôxin. Tính đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 24.146 nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, trong đó nạn nhân trực tiếp là 20.444, gián tiếp là 3.702. Họ đã và đang phải mang trên cơ thể “vết thương không mảnh đạn” nhưng lại rất dai dẳng, đau đớn và âm thầm tàn phá cuộc đời. Những người lính từng chiến đấu anh dũng nơi chiến trận, nay lại tiếp tục chiến đấu kiên cường trong thời bình, gắng gượng vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, thầm lặng nhưng rất đỗi phi thường.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày