Thứ 7, 23/11/2024, 06:20[GMT+7]

Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay

Thứ 3, 12/09/2023 | 11:41:43
8,121 lượt xem
Với các nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước.

Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tại Thái Bình.

Mục tiêu của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở nước ta trong thời đại ngày nay là chuyển nông nghiệp và nông thôn từ trạng thái của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phân tán, manh mún, trình độ kỹ thuật, năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, thủ cựu kiểu tiểu nông sang trạng thái của nền kinh tế công nghiệp và văn minh công nghiệp có chứa đựng những yếu tố nhất định của nền kinh tế tri thức và văn minh trí tuệ.

Nội dung CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn

Một là, CNH, HĐH nông nghiệp. Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ chất lượng cao trong các khâu sản xuất nông nghiệp, trong bảo quản và chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hai là, CNH, HĐH nông thôn. Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ở nông thôn.

Quan điểm của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn

Trong những năm trước mắt, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn bằng cách đổi mới đào tạo nhân lực, đưa tri thức sản xuất, kinh doanh, tri thức khoa học công nghệ đến với người nông dân; sử dụng công nghệ sinh học làm gia tăng giá trị các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Gắn bó chặt chẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hợp lý, hiệu quả, bảo đảm cơ sở cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đại hội XIII của Đảng xác định trong giai đoạn 2021 - 2030: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lương cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm”.

Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình, một tỉnh với quy mô dân số nông thôn hiện chiếm đến 89,5% dân số toàn tỉnh. Hiện nay lao động nông nghiệp còn ở trạng thái dư thừa về số lượng khoảng 20% - 30%. Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã thể hiện tốt vai trò, sứ mệnh là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để có được những thành tựu đó, Thái Bình cũng đánh giá những cơ hội, tiềm năng, khó khăn và thách thức để có các giải pháp phù hợp. Một số giải pháp đó là:

- Phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng sinh học, nguồn lợi tự nhiên theo lợi thế của từng địa phương. Từ đó, xây dựng các vùng chuyên môn hóa. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.. Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Thu hút các nhà khoa học tham gia vào đánh giá tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông, lâm, thủy sản.

- Phát triển nông nghiệp nông thôn theo chuỗi giá trị nông sản và theo hướng kết hợp với du lịch. Đây là một hướng đi đúng đắn bởi vừa tạo một thị trường có sức mua cao; vừa tạo lập sản phẩm du lịch từ chính các hoạt động nông nghiệp làm gia tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch, từ đó góp phần làm cho nông thôn ngày càng đổi mới.

- Đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp. Tỉnh đã tháo gỡ các vướng mắc, thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Giải quyết các vấn đề về chuyển giao khoa học công nghệ; các vấn đề về vốn;…

Những thành công của Thái Bình cũng là một trong những gợi mở về giải pháp cho quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Một số giải pháp thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn

Thứ nhất, lựa chọn hướng ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ cho sản xuất nông nghiệp tạo sự đột phá.

Hướng công nghệ được lựa chọn để ưu tiên phát triển phải thỏa mãn ba điều kiện cơ bản: 1/ Phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới; 2/ Thời gian phát huy tác dụng nhanh; 3/ Có tác động lớn và trực tiếp đến năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và thế giới.

Như vậy, so với những hướng phát triển các loại công nghệ khác trong nông nghiệp, công nghệ sịnh học sẽ phải được coi là hướng ưu tiên trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở nước ta trong thời gian tới. Đến nay ở hầu hết các nước, công nghệ sinh học được coi là một hướng khoa học – công nghệ ưu tiên đầu tư và phát triển, coi công nghệ sinh học là công nghệ của thế kỷ XXI.

Để có thể phát triển mạnh mẽ loại công nghệ này và áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, đòi hỏi phải quan tâm phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ sinh học. Những vấn đề cơ bản cần chú trọng là: 

- Đào tạo nhân lực cho công nghệ sinh học.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai thông qua việc tăng năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ sinh học, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất của các đơn vị nghiên cứu khoa học trọng điểm.

- Xây dựng các chương trình, dự án phát triển công nghệ sinh học.

Thứ hai, thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học – công nghệ đến người sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

Rút ngắn quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn phụ thuộc một phần quan trọng vào thời gian chuyển giao các kết quả nghiên cứu tới những người trực tiếp sản xuất hàng hóa. Để thực hiện điều đó, cần giải quyết những vấn đề sau:

- Định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng địa phương, với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương.

- Coi trọng bồi dường nhân lực để người sử dụng có thể làm chủ các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ được chuyển giao. Phải cung cấp những kiến thức lý thuyết và huấn luyện kỹ năng thực hành, trong đó huấn luyện kỹ năng thực hành ngay tại chỗ là nội dung quan trọng hàng đầu.

- Trong chuyển giao khoa học, công nghệ, không chỉ chú ý những nội dung về kỹ thuật công nghệ, mà còn chú ý các vấn đề như tổ chức sản xuất, liên kết kinh tế, trong tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Đây là những điều kiện cần thiết để các thành tựu về kỹ thuật công nghệ có thể phát huy đầy đủ hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và mở mang các dịch vụ tư vấn khoa học, công nghệ ở nông thôn.

Ths. Đặng Thị Tố Tâm

(Học viện Chính trị khu vực I)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày