Thứ 5, 28/11/2024, 15:34[GMT+7]

Việc nhà - trách nhiệm không của riêng ai

Thứ 2, 13/05/2019 | 09:25:26
6,601 lượt xem

Chồng san sẻ việc chăm sóc con với vợ khiến vợ cảm kích vì được chồng quan tâm chia sẻ, yêu thương.

Mặc dù bận mải với công việc ở ban công an xã và việc trồng hoa màu nhưng ông Nguyễn Đức Quý, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) mỗi khi về nhà vẫn “xắn tay” nấu cơm, quét nhà, dọn dẹp các phòng, trông cháu. Khi nhà chưa có máy giặt thì ông vẫn giặt quần áo cho mọi người. Ông cho biết: Vợ, con dâu cũng đi làm việc đồng, việc công ty thì mình là chồng, là cha phải chia sẻ chứ. Mỗi người một tay một chân, công việc nhà sẽ nhanh chóng hoàn thành mà ai cũng vui vẻ. Không chỉ ông mà các con trai của ông đều không nề hà việc nhà, việc bếp núc. Có khi ông và các con trai nấu nhiều món ăn ngon hơn phụ nữ trong gia đình.

Cũng như ông Quý, anh Nguyễn Văn Tuân, xã Tây Giang (Tiền Hải) chủ động lau nhà, nấu cơm, rửa bát, chơi với con, dạy con học, cùng vợ chăm con khi con ốm. Chị Nguyễn Thị Phương, vợ anh Tuân chia sẻ: Cả hai vợ chồng làm công nhân, nhân viên văn phòng trên thành phố Thái Bình, sáng đi làm, tối về cùng nhau, nếu như chồng không chia sẻ việc nhà thì mình không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân. Chồng san sẻ việc nhà với vợ không chỉ khiến vợ cảm kích vì được chồng quan tâm chia sẻ, yêu thương mà còn giúp cả hai có thêm thời gian cho nhau. Lúc nấu ăn, cả hai có thể cùng nhau trò chuyện về những gì diễn ra trong ngày, những suy nghĩ của mình. Khi vợ dọn dẹp chén bát, chồng có thể dạy con học. Hai người cùng chung sức, việc nhà sẽ nhanh được thu xếp hơn là một người “đánh vật” với những công việc không tên như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái... Những công việc này tiêu tốn rất nhiều thời gian, thường xuyên lặp lại khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình. Khi cùng làm việc nhà, chồng cũng hiểu hơn nỗi vất vả của vợ, từ đó yêu thương vợ hơn và ý thức được hết trách nhiệm của mình trong gia đình.

Ông Quý, anh Tuân là hai trong số rất nhiều người đàn ông sẵn sàng chia sẻ những việc không tên ở nhà với vợ. Tuy vậy, có một sự thật khá buồn, hiện nay nhiều người chồng vì vẫn giữ tư tưởng việc nhà là của phụ nữ, ngại việc hoặc ham vui nên luôn tìm cách lẩn tránh, không làm việc nhà. Họ không quan tâm sắp xếp, lo toan trong gia đình mà phó thác hết mọi công việc nhà cho vợ. Có người luôn về sớm hơn vợ nhưng không hề giúp vợ việc nhà. Về muộn, vợ cuống cuồng nấu cơm, dọn dẹp, tắm cho con, còn người chồng vẫn thản nhiên đi tập thể thao rồi nằm duỗi dài xem tivi. Nhiều lần, vợ bực mình lên tiếng, chồng cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Đồ dùng trong nhà để đâu chồng cũng không biết.

Chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ thêm: Mình biết có những ông bố thấy con quấy khóc là mặc cho mẹ, vợ dỗ dành; đêm ngủ con khóc thì tự động bê chăn gối sang phòng khác ngủ... Nhưng chính các anh lại cũng là người kêu ca chán đời, cơm canh không chỉn chu, nhà cửa không chu toàn, thời gian vợ dành cho các anh bị ít đi...

Cũng có nhiều người chồng chỉ làm vài việc nhà theo yêu cầu của vợ, còn lại cho vợ tự quản lý. Họ được gọi là những ông chồng “dễ chiều”, mặc vợ muốn làm việc nhà thế nào cũng được. Họ lý giải, do chị em ôm đồm hết việc nhà nên mệt mỏi rồi cau có. Nhưng khi chồng con làm cùng lại không ưng và đi làm lại. Chính sự mệt mỏi vì phải gắng sức, khiến chị em cảm thấy bất công và làm không khí gia đình thêm căng thẳng. Không những thế, vì quên chăm sóc bản thân, họ trở thành người không đi kịp thời đại, dễ khiến bạn đời cảm thấy không được “sang vì vợ”.

Ông Nguyễn Đức Quý thường xuyên giúp vợ các công việc trong gia đình.

Cũng chính từ thực tế nêu trên mà vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm về thực trạng và lượng hóa giá trị công việc chăm sóc trong gia đình. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về vai trò và giá trị của công việc chăm sóc không được trả lương; thực trạng phân công công việc nhà ở địa phương và xã hội hiện nay; giáo dục công việc nhà cho con cái; tình hình thực hiện văn bản chính sách, luật pháp và các hoạt động liên quan đến công việc chăm sóc không được trả lương; nhận thức của người chồng về công việc gia đình; sự hỗ trợ của các công cụ thông minh trong việc nhà... Buổi tọa đàm nhằm mục đích để nhận diện vấn đề lao động trong gia đình một cách toàn diện, xác định thực trạng chung các công việc trong gia đình và vai trò của các thành viên trong gia đình, từ đó hướng đến việc lượng hóa các giá trị công việc gia đình ra giá trị kinh tế. Đây là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa của công việc gia đình cũng như giá trị của người đảm nhiệm chính công việc trong gia đình, hướng tới gia đình bình đẳng, hiện đại.

Để ngôi nhà trở thành tổ ấm, điều chắc chắn là các thành viên trong gia đình cần chủ động chia sẻ với nhau mọi công việc trong gia đình và cùng vun vén, có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc. Quan trọng hơn cả là người phụ nữ cần tự nhận thức được vai trò và đóng góp của mình để lôi cuốn gia đình mình và cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn và hành động, vừa để chia bớt gánh nặng, vừa để mọi người có thói quen làm việc, chia sẻ với nhau và xây dựng nền nếp gia đình. Bởi hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to lớn mà ở ngay trong sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.

Việc người chồng cùng tham gia làm việc nhà với vợ không chỉ giải phóng sức lao động cho phụ nữ mà còn là cách thắt chặt thêm mối quan hệ vợ chồng, thể hiện trách nhiệm của người chồng với gánh nặng mà người phụ nữ đang mang trên vai.


Xuân Phương