Lòng nhân ái của Đại đức Thích Thanh Ấu
Chúng tôi về chùa Kinh Văn đúng dịp Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2563 - dương lịch 2019. Ngôi chùa ẩn mình dưới tán cây bồ đề xanh tốt. Đầu giờ chiều, dù thời tiết nắng nóng nhưng các Phật tử của chùa đã có mặt đông đủ. Mỗi người một việc, chẳng ai bảo ai họ đến đây với tấm lòng từ tâm cùng nhau chuẩn bị bữa cơm từ thiện chu đáo cho người bệnh. Lần nào cũng vậy, Sư thầy Thích Thanh Ấu đều tự tay cùng các Phật tử chuẩn bị suất cơm và phát tận tay người bệnh tại bệnh viện. Hôm đó, nhà chùa chuẩn bị gần 200 suất cơm cho bệnh nhân.
Ngược dòng thời gian, năm 1993, chàng thanh niên Nguyễn Kim Bắc, quê ở thôn Trại Vàng, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) phát nguyện xuất gia tại chùa Phúc Lâm, xã Thái Phúc, làm môn đệ của Hòa thượng Thích Thanh Khôi. Sau 3 năm, thầy Ấu được nhân dân thôn Đồng Kinh đón về trông coi, chăm sóc chùa Kinh Văn. Ngày ấy người dân còn nghèo, chùa có 5 gian nhà ngói đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sư thầy Thích Thanh Ấu nhớ lại: 22 năm gắn bó với quê hương thứ hai Thái Thuần, tôi cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chung sức kiến thiết, xây dựng nhà chùa được khang trang như ngày hôm nay. Tôi không quên những ngày đầu tự tay vượt đất, đóng hơn một vạn hai gạch, tự cày cuốc, cấy lúa, làm màu. Nhờ sự đùm bọc, yêu quý của nhân dân, Phật tử nên con đường tu tập của tôi được chu viên, hoàn mãn đến hôm nay.
Chỉ tay vào những tấm ảnh treo trang trọng nơi chính điện, Sư thầy giới thiệu với chúng tôi đây là những hình ảnh quý, ghi lại những kỷ niệm khi mình về chùa. Và đó cũng là những điều nhắc nhở bản thân “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Dừng lại ở bức ảnh khi Sư thầy còn trẻ ẵm trên tay đứa bé vài tháng tuổi, ánh mắt thầy Ấu đăm chiêu: Có khoảng thời gian tôi mang nỗi hàm oan khi cưu mang một sinh linh bé nhỏ hơn 1 tháng tuổi bị mẹ bỏ rơi nơi cổng chùa. Những người ác ý nói thằng bé là con rơi, con vãi của tôi. Không biết chia sẻ cùng ai, tôi gạt đi những đắng cay trần tục, hàng ngày tụng kinh niệm Phật rồi mang cháu đi khắp làng trên, xóm dưới, gõ cửa từng nhà có trẻ nhỏ xin sữa. Cũng may, nỗi oan ức của tôi cũng được hóa giải. Vượt qua những khó khăn, vất vả cưu mang cháu, nuôi cháu ăn học nên người. Vậy mà cũng 18 năm có lẻ rồi... Tôi đặt tên cháu là Nguyễn Minh Đức, chỉ mong sau này cháu là người sáng suốt, có phúc đức.
Không chỉ cưu mang Minh Đức từ khi lọt lòng, hơn 20 năm qua, Đại đức Thích Thanh Ấu đã nuôi dưỡng, cưu mang, chăm sóc gần 40 trẻ mồ côi, người già ốm đau, bệnh tật. Mới đây nhất, cuối năm 2018, khi biết hoàn cảnh của cháu Lê Minh Ngọc, sinh năm 2007, quê ở một bản xa xôi của huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hai anh em Ngọc mồ côi bố, mẹ bỏ đi, phải ở với bà nội già yếu), thầy Ấu đã lặn lội lên Sơn La, gặp gỡ chính quyền địa phương và gia đình trước mắt đưa Ngọc về chùa để nuôi dạy. Lê Minh Ngọc là đứa trẻ ngoan ngoãn, hiện đang học lớp 5 Trường Tiểu học Thái Thuần. Cùng với cưu mang những mảnh đời, số phận bất hạnh, ngôi chùa Kinh Văn còn là nơi giáo dục, cảm hóa những đứa trẻ hư được gia đình khắp nơi gửi gắm.
Nói về Đại đức Thích Thanh Ấu, Phật tử Nguyễn Thị Bình, 65 tuổi, thôn Ninh Thanh, xã Thái Thuần cho biết: Ở Thái Thuần dù là lương dân hay giáo dân đều kính trọng và cảm phục tấm lòng lương thiện của thầy Ấu. Cứ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh là thầy đến giúp đỡ. Chùa Kinh Văn còn tổ chức các đợt từ thiện, tặng quà người nghèo trong xã nhân dịp lễ, tết, ngày 25/8 hàng năm nhà chùa còn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ nối vòng tay lớn. Tại chương trình, thầy Ấu tặng 60 suất quà cho học sinh giỏi cấp THCS, THPT, mỗi suất trị giá từ 100.000 - 400.000 đồng. Ngoài ra, hàng năm chùa Kinh Văn còn tặng quỹ khuyến học mỗi thôn của xã Thái Thuần 10 triệu đồng... Đặc biệt, khi xã Thái Thuần xây dựng nông thôn mới, nhà chùa đã ủng hộ địa phương gần 100 triệu đồng. Chúng tôi đến chùa không chỉ được thầy Ấu truyền giảng giáo lý nhà Phật mà còn thấy lòng thanh thản khi tham gia các hoạt động từ thiện do thầy khởi xướng...
Từ tháng 3/2018, đều đặn một tháng hai lần, thầy Ấu tổ chức nấu bữa cơm từ thiện phục vụ từ 150 - 200 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh. Mỗi suất cơm có đầy đủ canh rau, thịt, đậu để bảo đảm chất dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh. Tất cả các nguyên liệu để làm ra những suất cơm từ thiện đều được chùa Kinh Văn tăng gia sản xuất và sự phát nguyện của bà con Phật tử nhà chùa. Hiện tại, thầy Ấu cấy hơn 1 mẫu lúa và trồng rau trong khuôn viên nhà chùa. Các việc cày cuốc, cấy trồng, thầy Ấu thạo như người nông dân thực thụ.
Đại đức Thích Thanh Ấu chia sẻ thêm: Mỗi lần được chứng kiến người bệnh vui mừng đón những suất cơm của nhà chùa mà tôi cảm động vô cùng. Chỉ mong với việc làm nhỏ bé của mình và Phật tử, động viên người bệnh yên tâm điều trị, sớm khỏi bệnh về với gia đình. Tôi luôn tâm nguyện phải nỗ lực làm nhiều việc thiện, giúp người cũng là giúp con đường tu của mình thêm chu viên, hoàn mãn. Đó cũng là một việc làm thiết thực của người tu hành, giúp Phật giáo nhập thế, cứu độ chúng sinh. Cũng may mắn cho nhà chùa khi mỗi hành trình thiện nguyện đều có sự chung tay, giúp đỡ, đồng hành của quý Phật tử, nhà hảo tâm và các cơ quan, tổ chức gần xa; đồng thời, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Cầm trên tay suất cơm từ thiện của chùa Kinh Văn, ông Phạm Đức Hạt, 76 tuổi, thôn Bằng Lương, xã Thái Nguyên đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh chia sẻ: Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn thầy Ấu và nhà chùa đã giúp chúng tôi vơi bớt chi phí khi điều trị tại bệnh viện. Tôi mong nhà chùa tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp những người nghèo trong xã hội.
Chiều muộn, chúng tôi ra về, sau lưng là hình ảnh Sư thầy cùng các Phật tử vẫn cần mẫn phát từng suất cơm cho bệnh nhân, ánh lên những nụ cười rạng rỡ. Đúng như câu nói của trụ trì chùa Kinh Văn: “Mỗi người gieo một hạt bát ngát hoa từ bi, cho đi sự chân thật đến với người khó khăn. Cho đi để nhận lại những nụ cười hạnh phúc”.
"Khi nhà chùa có nguyện vọng tổ chức phát cơm từ thiện tại bệnh viện, phía đơn vị rất ủng hộ. Không chỉ phát cơm, Sư thầy Thích Thanh Ấu còn vận động tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ ấm lòng người bệnh, giúp bệnh nhân quên đi đau đớn, có động lực để điều trị." (Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Đang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh) |
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn