Thứ 4, 13/11/2024, 05:27[GMT+7]

Hiệu quả từ việc thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số

Thứ 2, 07/01/2013 | 14:43:59
1,681 lượt xem
Chất lượng dân số của nước ta trong những năm qua đã được nâng lên rõ rệt. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của những người làm công tác dân số, thông qua việc thực hiện các đề án, chương trình về dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Niềm vui của mẹ

Theo đánh giá của các tổ chức chuyên về dân số: chất lượng dân số về thể chất của người Việt Nam còn thấp; có 1,5% dân số Việt Nam bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ; tầm vóc, thể lực cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế; tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của Việt Nam chỉ đạt 60,2 tuổi/72,2 tuổi thọ bình quân, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu số 1 của công tác DS-KHHGĐ hiện nay.

Theo đó, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số - cải thiện giống nòi là mục tiêu số 1 đối với công tác dân số nước ta. Để thực hiện điều đó, trong những năm qua, ngành dân số đã triển khai nhiều đề án về DS-KHHGĐ như: Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, hải đảo và ven biển; Đề án Tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; Đề án Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc ít người… và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, sau 5 năm thực hiện, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, tăng tỷ lệ trẻ em được can thiệp điều trị sớm các bệnh, tật bẩm sinh. Các dịch vụ sàng lọc trước sinh đã triển khai các kỹ thuật siêu âm hình thái và các xét nghiệm máu mẹ; với dịch vụ sơ sinh đã thực hiện kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân cho các trẻ sơ sinh ở tuyến tỉnh và huyện, nơi có bà mẹ đến sinh đẻ cao. Ngoài ra, hoạt động truyền thông, tư vấn được triển khai khá sâu rộng như phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp cho các bà mẹ khám thai và sinh tại các cơ sở y tế, tư vấn theo dõi đình chỉ thai nghén trong các trường hợp phát hiện bất thường…

Từ năm 2007 đến 2010, đã thực hiện sàng lọc trước sinh, siêu âm chẩn đoán cho gần 30.000 thai phụ, trong đó có 3.400 thai phụ có bất thường, chiếm trên 11% và sàng lọc sơ sinh cho hơn 143.000 trẻ. Đến năm 2012, Đề án đã được triển khai tại 51 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trong đó duy trì 3.699 xã/430 huyện, và mở rộng 2.348 xã/35 huyện) với 3 Trung tâm khu vực thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế; dự tính trong năm 2012 số bà mẹ được sàng lọc trước sinh và số trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 100% kế hoạch năm (3% bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 10% trẻ được sàng lọc sơ sinh).

Cũng theo Tổng cục DS-KHHGĐ, qua 3 năm thực hiện, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 - 2020 (đề án 52) được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố và 2.390 xã của 28 tỉnh đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển. Trong năm 2012, đề án ưu tiên tập trung giảm sinh đối với 12 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế; tăng cường giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh đối với 18 tỉnh, thành phố ven biển có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao; thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệp mới phù hợp trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Đến nay, có hơn 1.228.000 lượt người được tư vấn về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình; hơn 218.460 bà mẹ mang thai đã được khám thai; hơn 1.121.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa; trẻ em được kiểm tra sức khỏe, điều trị các bệnh thông thường.

Cùng với việc thực hiện hai đề án quan trọng nêu trên, trong năm qua, ngành dân số tiếp tục duy trì và mở rộng thực hiện Mô hình can thiệp làm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 16 tỉnh với 160 xã, tăng thêm 1 tỉnh so với năm 2011 (Bình Phước với 34 xã); duy trì việc thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng dân số của dân tộc ít người tại 7 tỉnh đã triển khai là Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Gia Lai (trong đó duy trì 111 xã và mở rộng 19 xã). Bên cạnh đó, mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục được duy trì hoạt động tại 55 tỉnh, thành phố với 1.402 xã, phường…

Hiệu quả từ việc thực hiện các đề án về DS – KHHGĐ là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dân số cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành dân số mà là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi người dân. Được biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể nâng cao chất lượng dân số Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020. Đề án được phê duyệt là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu số 1 đang đặt ra đối với công tác dân số là nâng cao chất lượng dân số - cải thiện giống nòi.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa