Thứ 7, 23/11/2024, 09:59[GMT+7]

Già hóa dân số - thách thức và giải pháp

Chủ nhật, 25/12/2022 | 21:11:08
8,591 lượt xem
Nếu năm 1950, thế giới mới có khoảng 214 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 8,6% tổng dân số thì năm 2020 đã tăng lên gần 1.050 triệu người, chiếm 13,5%. Dự báo đến năm 2050 thế giới sẽ có khoảng 2.080 triệu NCT, chiếm 21,4% tổng dân số, trở thành thế giới có dân số già. Cùng với xu hướng chung của thế giới, số lượng và tỷ lệ NCT tại Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng cũng không ngừng tăng. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số NCT tăng nhanh đặt ra nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để ứng phó.

Người cao tuổi xã Thụy Liên (Thái Thụy) được hướng dẫn luyện tập nâng cao sức khỏe.

Tốc độ già hóa dân số nhanh, thách thức lớn
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019, Việt Nam có hơn 11,4 triệu NCT, chiếm 11,86% tổng dân số, tăng 4,86% so với năm 1979. Nhịp độ tăng NCT nhanh hơn nhiều so với tăng dân số. Nếu trong 40 năm (1979 - 2019) dân số tăng lên 1,8 lần thì NCT đã tăng lên 3,1 lần. Nguyên nhân khiến Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh là do mức sinh giảm mạnh và tuổi thọ tăng cao. Tại Thái Bình, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong tổng dân số 1.860.447 người, tỷ lệ NCT chiếm 18,70%, tăng 5,16% so với năm 2009 (13,54%). Tuổi thọ trung bình tại Thái Bình là 75,4 năm, tăng 0,9 tuổi so với năm 2009 (74,5 năm) và cao hơn bình quân chung cả nước 1,8 năm.

Tuổi thọ tăng cao là thành tựu song cũng đặt ra nhiều thách thức trong chăm sóc NCT. Dự kiến đến năm 2039, chỉ số già hóa là 113 (113 người từ 60 trở lên/100 người dưới 15 tuổi), lần đầu tiên trong lịch sử ở nước ta số NCT sẽ cao hơn số trẻ em. Số lượng NCT tăng đồng nghĩa với tổng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT tăng. Cùng với đó là tình trạng suy giảm năng lực nội tại và tình trạng bệnh tật, sức khỏe tâm thần. NCT nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời, chi phí điều trị lớn. Kết quả nghiên cứu về NCT và sức khỏe Việt Nam năm 2018, ở nhóm NCT nhất (trên 80 tuổi) có gần 74,6% mắc tăng huyết áp; 54,3% mắc bệnh viêm khớp. Quá trình lão hóa gắn liền với các chức năng suy giảm ở NCT. Nhiều người bị mất dần các chức năng cơ bản như: nghe, nhìn, vận động, tập trung và ghi nhớ. Khi suy giảm những chức năng cơ bản, NCT rất cần sự chăm sóc dài hạn của gia đình và xã hội.

NCT Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng chủ yếu sống ở nông thôn cùng con cháu. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận NCT còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với già hóa dân số nhanh. Các loại hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu. Chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở chăm sóc dài hạn chưa phát triển, chưa có sự kết nối với các hình thức chăm sóc tại cộng đồng bảo đảm già hóa tại chỗ. Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Môi trường xã hội thân thiện với NCT chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh.

Nhiều giải pháp để thích ứng
Hiện nay, NCT đã khẳng định không phải “lão lai tài tận” (tuổi cao thì năng lực hết) mà là “lão lai tài bất tận” (tuổi dù cao năng lực càng cao). Để phát huy vai trò NCT, Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 137/NQ-CP, chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 (Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã đề ra mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe NCT hướng tới già hóa khỏe mạnh, thích ứng với già hóa dân số nhanh, góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Tại Thái Bình, công tác chăm sóc sức khỏe NCT cả ở thể chất lẫn tinh thần luôn được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, phê duyệt đề án, chương trình chăm sóc NCT, trong đó có Kế hoạch số 61/KH-TU ban hành ngày 11/1/2018; Kế hoạch số 50/KH-UBND tỉnh ban hành ngày 8/4/2021 và đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025. Các mục tiêu Thái Bình đề ra là đến năm 2030, tuổi thọ bình quân người dân đạt 76,5 tuổi; phấn đấu 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; 90% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT; 100% NCT được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm; 90% NCT được phát hiện, điều trị quản lý các bệnh không lây nhiễm... Để thực hiện các mục tiêu trên, Thái Bình sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân, gia đình trong chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho NCT, từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; đồng thời đào tạo tập huấn chuyên môn cho đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Với vai trò của mình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe NCT, trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng các bệnh thường gặp ở NCT và thành lập, phát triển các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe tại các xã, phường, thị trấn...

NCT là vốn quý của xã hội. Chăm sóc, tôn vinh NCT, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tạo điều kiện tốt nhất để NCT phát huy vai trò, sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Cùng với việc tự trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, mỗi NCT cần tích cực tham gia các hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phỏng
(Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh)