Thứ 4, 13/11/2024, 05:29[GMT+7]

Chăm sóc sức khỏe sinh sản Giải pháp trực tiếp nâng cao chất lượng dân số

Thứ 5, 13/06/2013 | 09:44:25
1,245 lượt xem
Để nâng cao chất lượng dân số cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chăm sóc sức khỏe sinh sản được coi là giải pháp trực tiếp nhất. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều nơi ở nước ta hiện còn thiếu mạng lưới dịch vụ, đội ngũ nhân viên y tế và cơ sở vật chất chưa bảo đảm cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình…

Ảnh minh họa

Nỗ lực đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, trong hơn 10 năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 - sau khi Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến nay, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) đã được triển khai sâu rộng. Đến nay về cơ bản, các cơ sở y tế ở các tuyến đều cung cấp dịch vụ CSSKSS theo quy định. Cụ thể, ở tuyến tỉnh dịch vụ CSSKSS đã thực hiện các biện pháp khám thai thường, thai bệnh lý, khám chữa bệnh phụ khoa, đỡ đẻ, mổ đẻ, mổ u xơ, u nang... Tại tuyến huyện hầu hết đã cung cấp được các dịch vụ thiết yếu về CSSKSS theo khuyến cáo của WHO, có tới quá nửa số huyện có thể mổ đẻ và cấp cứu sản khoa... Tại tuyến xã thì thường chỉ thực hiện các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ thường và khám chữa bệnh phụ khoa thông thường do không có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao tiếp cận dịch vụ CSSKSS cho tất cả mọi người, thông qua nhiều chương trình khác nhau, đặc biệt ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc. Cụ thể, đối với đồng bào ở vùng miền núi, hàng năm ngành y tế tổ chức hai lần chiến dịch lồng ghép CSSKSS - KHHGĐ; nhiều dịch vụ KHHGĐ được bao cấp, người dân không phải chi trả. Ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai loại hình cô đỡ thôn bản, nhằm cung cấp dịch vụ, giáo dục SKSS, thực hiện đỡ đẻ tại nhà...

Với những nỗ lực nêu trên, nên tỷ suất tử vong mẹ đã giảm đi một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca chết/100.000 ca sinh sống (năm 1990) xuống còn 69 ca chết/100.000 ca sinh sống (năm 2009), giảm khoảng 2/3 số ca tử vong mẹ liên quan đến thai sản. Báo cáo thường niên phát hành hôm 7.5.2013, của “Save The Children” - Tổ chức Chống nạn đói, suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em trên toàn cầu, đã xếp Việt Nam vào nhóm 10 nước đứng đầu trên thế giới có những bước tiến để giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong vòng hai thập kỷ qua. Theo báo cáo, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã giảm 48% trong giai đoạn từ năm 1990 - 2011.

Khó khăn vẫn còn nhiều

Tại Hội thảo quốc gia về Chương trình CSSKSS và sức khỏe tình dục do Bộ Y tế đã phối hợp với ĐH Cộng đồng tổ chức vào cuối năm 2012 vừa qua, đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã công bố những nghiên cứu về thực trạng chăm sóc trước sinh tại nước ta. Theo báo cáo nghiên cứu, ở Việt Nam chỉ có khoảng 59% số phụ nữ mang thai được khám thai 4 lần trong suốt thời kỳ thai kỳ theo như khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; hơn một nửa số phụ nữ mang thai không được xét nghiệm máu, khoảng 20 - 30% số phụ nữ mang thai không được xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp hay được tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa, hơn 90% số ca đẻ xảy ra tại nhà, trong số đó 80% không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế… Cũng theo báo cáo, đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên và người di cư ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ CSSKSS, bao gồm các dịch vụ KHHGĐ. Các khu vực miền núi còn thiếu mạng lưới dịch vụ CSSKSS, cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đội ngũ nhân viên y tế cũng như điều kiện làm việc chưa được đảm bảo.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do không ít phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về CSSKSS. Một nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam cho thấy 35,7% phụ nữ không cho rằng, chăm sóc trước sinh là cần thiết; 29,5% phụ nữ chưa hiểu về nhu cầu cần chăm sóc trước sinh của mình và 17,6% phụ nữ cảm thấy xấu hổ khi sử dụng các dịch vụ CSSKSS. Nghèo đói, sống xa cơ sở y tế và thiếu các phương tiện giao thông cũng cản trở phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị tại tuyến cơ sở; lực lượng cán bộ y tế còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực. Theo Bộ Y tế, cán bộ của 20% các trạm y tế xã chưa được tập huấn về làm mẹ an toàn trong 3 năm qua.

Để giải quyết những vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe nói chung, CSSKSS nói riêng; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà mẹ về CSSKSS; tăng cường quảng bá cho dịch vụ y tế sẵn có tại cơ sở y tế. Đặc biệt, cần củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ; đồng thời ưu tiên đội ngũ hộ sinh có kỹ năng và hệ thống chuyển tuyến tới các cơ sở y tế... Đó là những điểm then chốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác CSSKSS. Theo đó, mục tiêu đặt ra giảm 3/4 tỷ suất tử vong mẹ trong giai đoạn 1990 - 2015 và tất cả mọi người được tiếp cận dịch vụ CSSKSS vào năm 2015 sẽ trở thành hiện thực.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa