Thứ 7, 23/11/2024, 10:30[GMT+7]

Ngày Dân số thế giới 11/7 Mất cân bằng giới tính khi sinh: Hệ lụy và giải pháp

Thứ 3, 11/07/2023 | 08:21:37
50,488 lượt xem
Cùng với nhiều tỉnh, thành phố, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại Thái Bình đang đứng trước khó khăn, thách thức khi chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, tăng nhanh và khó kiểm soát. Trước những dự báo về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Cán bộ dân số xã Phong Châu (Đông Hưng) tuyên truyền cho các gia đình hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.

Những con số “nóng”

Theo báo cáo của ngành dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu báo động từ năm 2006 đến nay, không riêng ở Thái Bình mà diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Dù có thời điểm tỷ số giới tính khi sinh giảm song hiện nay vẫn ở mức cao. Tại Thái Bình, tỷ số giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm 2022 là 114,8 nam/100 nữ; 6 tháng đầu năm 2023 là 117,9 nam/100 nữ. Các huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao là: Kiến Xương, thành phố Thái Bình và Tiền Hải. 5 năm trở lại đây, ở Kiến Xương số trẻ sinh ra là nam nhiều hơn số trẻ nữ. Cụ thể, năm 2019 tỷ số giới tính khi sinh là 113 nam/100 nữ, năm 2020 là 108 nam/100 nữ, năm 2021 là 115 nam/100 nữ, năm 2022 là 108 nam/100 nữ; đặc biệt 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ này tăng lên 127 nam/100 nữ. Bà Bùi Thị Tho, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương cho biết: Tỷ lệ cho phép trong mức cân bằng là từ 104 - 106 nam/100 nữ. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, trên địa bàn huyện đều xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Dù năm 2020 và 2022 có giảm nhưng không đáng kể.

Không chỉ riêng Kiến Xương, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra tại nhiều địa phương, trở thành một trong những vấn đề nóng và nan giải đối với công tác dân số - KHHGĐ. Trước thực trạng này, ngành y tế, 8 huyện, thành phố đã tìm hiểu nguyên nhân, triển khai và đề xuất các giải pháp, trong đó nhiều nguyên nhân được chỉ ra như quan niệm con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên còn tồn tại phổ biến trong gia đình, dòng họ. Cùng với đó, các cặp vợ chồng hiện nay sinh ít con nhưng lại mong muốn có con trai, vì thế, họ tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh...

Nhiều hệ lụy được dự báo trước

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành y tế, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai những giải pháp cụ thể. 

Tại xã Phong Châu (Đông Hưng), nếu như năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh là 150 nam/100 nữ thì năm 2022 tỷ lệ này đã giảm còn 120 nam/100 nữ và trong 6 tháng đầu năm 2023, với 25 trẻ được sinh ra, số trẻ nam là 13 và trẻ nữ là 12. 

Bà Phạm Thị Hòe, cán bộ dân số xã cho biết: Biện pháp chính của chúng tôi là công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức để người dân hiểu về những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức. Ngoài trên hệ thống truyền thanh của xã, tuyên truyền trực tiếp tại trạm y tế, lồng ghép qua các hội nghị, buổi tập dân vũ, y tế thôn kiêm cộng tác viên dân số còn đến các gia đình để tuyên truyền... Cùng với đó, ở địa phương có câu lạc bộ các bà mẹ không sinh con thứ ba, giúp nhau phát triển kinh tế. Hoạt động của câu lạc bộ rất hiệu quả với đông đảo các thành viên tham gia.

Tại huyện Kiến Xương, bà Bùi Thị Tho cho biết thêm: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ và những hậu quả nghiêm trọng của mất cân bằng giới tính trong tương lai, Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 19 xã, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn...

Cùng với các địa phương, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo về công tác dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chẩn đoán xác định giới tính thai nhi tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Nhiều mô hình, đề án can thiệp cũng đã được triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh duy trì tại 165 xã, phường, thị trấn; mô hình tuyên truyền lồng ghép nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong các trường THCS và duy trì tại 37 trường, mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tại 62 trường thuộc 8 huyện, thành phố...

Dù các giải pháp đã được triển khai song trên thực tế tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. 

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ và có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn khi đến tuổi trưởng thành; tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng sẽ dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ; làm tăng bất bình đẳng giới.

Cần giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc từ mỗi gia đình

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh không phải là bài toán có thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn mà cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía với những giải pháp quyết liệt hơn nữa. 

Bà Đoàn Thị Thanh Hằng cho biết thêm: Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025, thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới. Phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp; tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện, chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được sống trong môi trường an toàn và phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ; hậu quả của phá thai; bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ siêu âm, KHHGĐ; tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn và duy trì, nhân rộng các chương trình, mô hình, hoạt động đã triển khai hiệu quả.

Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đã được dự báo là rất lớn. Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cần những hành động quyết liệt, sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, gia đình.

Cán bộ y tế tư vấn về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Hoàng Lanh