Thứ 7, 09/11/2024, 22:28[GMT+7]

Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng biển

Thứ 6, 23/05/2014 | 08:09:01
1,654 lượt xem
Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”, triển khai tại Thái Bình từ năm 2009. Sau 5 năm đi vào hoạt động, người dân tại các xã thực hiện Đề án đã có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực biển.

Truyền thông lưu động tại các xã triển khai Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”

Thái Bình có 2 huyện biển là Tiền Hải và Thái Thụy, dân số ở 2 huyện chiếm 26% dân số cả tỉnh. Trong những năm qua, công tác dân số ở 2 huyện còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn cao hơn các huyện khác trong tỉnh và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Do đặc thù lao động nghề biển, người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình... Hơn nữa, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh các bệnh về đường sinh sản của người dân vùng biển còn hạn chế.

Trước thực tế đó, khi Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” được triển khai, hệ thống dân số - KHHGĐ các cấp đã phối hợp tích cực với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung triển khai chính sách DS-KHHGĐ và các nội dung hoạt động của Đề án.

Hàng năm, trong các đợt triển khai các hoạt động “Phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục”; “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình”, Trung tâm Y tế huyện cử bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn xuống tận xã khám và điều trị, cấp phát các phương tiện tránh thai miễn phí, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ các xã ven biển. Trong 5 năm, tại 2 huyện đã khám phụ khoa cho 64.793 chị em, cấp thuốc điều trị cho 17.198 chị em; số bà mẹ mang thai được khám 31.547 bà mẹ, có 19.601 trẻ em được khám sức khỏe.

Công tác truyền thông trong Đề án cũng được chú trọng, Chi cục Dân số - KHHGĐ, trung tâm dân số - KHHGĐ các huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan; tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ đặc thù tại các xã biển thông qua hình thức sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm, hát chèo trong lĩnh vực dân số; tổ chức các cuộc truyền thông lưu động đi khắp các trục đường trong xã để tuyên truyền các kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ, nhờ đó mà nhận thức của người dân có sự chuyển biến rõ rệt.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Đề án triển khai tại 83 xã biển và ven biển đã tạo một luồng sinh khí mới cho vùng đất này. Nếu trước đây, cán bộ dân số và y tế phải chủ động đến tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám quản lý thai thì giờ đây phần lớn người dân đã hiểu biết và chủ động đến với cán bộ để được tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai thích hợp.

Tại huyện Thái Thụy, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cho biết: Từ khi triển khai Đề án, chất lượng dân số của các xã, thị trấn ven biển đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Người dân ý thức được việc mỗi gia đình nên sinh từ một đến hai con. Gia đình ít con, chất lượng dân số được nâng cao, con cái được chăm sóc tốt, nhờ vậy kinh tế đã phát triển hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng mạnh; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Qua 5 năm thực hiện Đề án, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn ở 2 huyện  biển có sự chuyển biến tích cực. Mặc dù tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 chưa ổn định, vẫn còn có năm tăng, năm giảm nhưng việc triển khai Đề án thực sự đã góp phần nâng cao kiến thức, hành vi về CSSKSS/KHHGĐ cho người dân, tạo sự chuyển biến trong việc kiểm soát dân số vùng biển; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và số người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai năm 2013 của huyện Thái Thụy đạt 80,1%, huyện Tiền Hải đạt 77%. Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng dân số khi sinh thông qua chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đến nay, 100% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng siêu âm chẩn đoán hình ảnh.

Từ những kết quả bước đầu, thời gian tới 2 huyện ven biển tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hoạt động của Đề án nhằm đạt mục tiêu: kiểm soát quy mô và nâng chất lượng dân số vùng biển, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu dân số - KHHGĐ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa