Thứ 7, 23/11/2024, 09:22[GMT+7]

Hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 2, 28/11/2016 | 08:57:55
2,327 lượt xem
Những năm qua, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), qua đó góp phần giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Dạy nghề, tạo việc làm giúp phụ nữ khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình.

 

Cũng như nhiều địa phương khác, những năm trước đây, công tác PCBLGĐ của xã An Quý (Quỳnh Phụ) còn nhiều hạn chế. Năm 2012, sau khi Kế hoạch số 58 của UBND tỉnh về PCBLGĐ giai đoạn 2012 - 2016 được triển khai rộng rãi tới các địa phương, nhận thức về bạo lực gia đình trong cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đã có nhiều chuyển biến. Xã đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ làm nòng cốt. Bà Tô Thị Tuyết, Chủ tịch Hội cho biết: Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do khó khăn về kinh tế, vì vậy, trong những năm qua, Hội đã tích cực tìm giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, khai thác nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay đã có 106 hội viên được vay vốn với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia làm các nghề phụ như dán giấy tiền, máy may, xe đay…, qua đó giúp hơn 300 hội viên có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn chủ trì thành lập 12 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, văn hóa văn nghệ, 3 mô hình PCBLGĐ tại địa phương... Ngoài ra, để hỗ trợ kịp thời nạn nhân của BLGĐ, Hội đã tham mưu cho xã thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chị em khi bị bạo lực, giúp chị em tìm ra phương pháp phòng, tránh, giải quyết khó khăn trong gia đình.

 

Với xã Thụy Dân (Thái Thụy), việc tích cực thực hiện Kế hoạch số 58 của UBND tỉnh đã giúp công tác PCBLGĐ của địa phương có nhiều chuyển biến, số vụ bạo lực gia đình giảm mạnh. Bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ văn hóa xã chia sẻ: Trước năm 2012, khi chưa triển khai mô hình PCBLGĐ, suy nghĩ của người dân về bạo lực gia đình còn hạn chế, hầu hết mới chỉ quan tâm về bạo lực thân thể còn bạo lực tinh thần ít được đề cập, nguyên nhân là do nhận thức của người dân về bạo lực gia đình chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; khi xảy ra bạo lực trong gia đình, người trong cuộc không dám tiết lộ thông tin dẫn tới mâu thuẫn khó có thể hòa giải. Nhưng từ khi triển khai mạnh công tác PCBLGĐ, xã đã thành lập các mô hình, câu lạc bộ như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “5 không, 3 sạch”… ở các thôn, xóm, hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, từ tổ chức sinh hoạt định kỳ đến hoạt động lồng ghép trong các cuộc họp để trao đổi thông tin với các thành viên, qua đó nắm bắt nguy cơ bạo lực gia đình để có biện pháp theo dõi, ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2012 đến nay, các câu lạc bộ đã tham gia tư vấn, hòa giải thành công 45 vụ có biểu hiện bạo lực gia đình.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ khi triển khai Kế hoạch số 58 của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 713 mô hình PCBLGĐ được thành lập ở các xã, phường, thị trấn do hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đảm nhiệm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 3.000 câu lạc bộ gia đình làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ gia đình văn hóa, câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ ba… cùng với 449 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ những hoạt động tuyên truyền cũng như việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình PCBLGĐ, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm: năm 2012, toàn tỉnh có 364 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2015 giảm còn 213 vụ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, số vụ bạo lực gia đình lại có chiều hướng tăng với 241 vụ. Để hạn chế số vụ bạo lực gia đình, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCBLGĐ; quan tâm kiện toàn mạng lưới làm công tác PCBLGĐ, mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tại cơ sở đồng thời khuyến khích, vận động các tổ chức, xã hội, cộng đồng, gia đình tham gia PCBLGĐ.

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa