Thứ 7, 09/11/2024, 22:19[GMT+7]

Phạm Minh Giắng - Một số phận, một nghị lực

Thứ 2, 01/04/2013 | 09:23:59
2,480 lượt xem
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thăm ông trong một ngày đầu xuân. Ghé qua cửa sổ, trên chiếc giường bệnh đã gắn bó gần 30 năm nay, người đàn ông ấy vẫn “nằm ngửa” với chiếc máy tính trên ngực. Ông nhanh nhẹn gõ gõ bàn phím bằng “cây đũa thần” trên tay gửi đi những vần thơ bằng con chữ “yêu đời”. Ông là Phạm Minh Giắng một tấm gương về sự lạc quan trước số phận bất hạnh.

Gần 50 năm nằm liệt trên giường bệnh nhưng ông Giắng vẫn tâm niệm rằng “sống là phải hoạt động”

Tuổi thơ dữ dội…

 

Biết về nghị lực sống, nghị lực vượt lên số phận của Phạm Minh Giắng nhưng ít ai biết rằng tuổi thơ của ông là những  năm tháng nhạt nhòa nước mắt và bất hạnh. Ông Giắng sinh năm 1950 trong một gia đình nông dân nghèo có công với cách mạng  tại xã Thái Phúc (Thái Thụy). Khi mới lên 1 tuổi bố ông đi bộ đội và anh dũng hi sinh khi cùng đơn vị tấn công một đoàn xe của lính Pháp. Năm lên 2 tuổi, nỗi đau tột cùng lại một lần nữa giáng xuống cuộc đời ông khi mất mẹ. Hai lần đại tang, mồ côi cả cha lẫn mẹ đối với một cậu bé mới 2 tuổi, không anh em ruột thịt là nỗi đau là sự bất hạnh và thiệt thòi lớn nhất.

 

Từ đó, Phạm Minh Giắng về ở với bà nội. Năm 1970, bà nội mất, ông được gia đình một người bác trông nom. Nhưng trong thời gian đó, tai họa thêm một lần nữa bám lấy cuộc đời ông và cũng kể từ đó cuộc sống của Phạm Minh Giắng là những năm tháng nằm liệt trên giường. “Năm 13 tuổi khi còn là học sinh lớp 5 trường làng tôi mắc bệnh thấp khớp nặng và phải chịu những cơn đau dai dẳng hành hạ; 2 năm sau căn bệnh nan y quái ác ấy khiến tôi liệt toàn thân và phải nằm liệt giường”.- Ông Giắng nhớ lại.

 

Vượt lên để… sống!

 

Năm 1985, khi anh em họ hàng thân thiết không còn ai, Phạm Minh Giắng được đón vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tại đây, ông gặp những người cùng cảnh ngộ và nhận được sự sẻ chia từ chính họ. Với thân hình chỉ nặng khoảng 30 kg, đôi chân bị khuỳnh ra hai bên như hình thoi, toàn thân tê liệt, các ngón tay cứng đờ khiến ông phải sống với một tư thế duy nhất: “nằm ngửa”. Nhưng không đầu hàng trước số phận, Phạm Minh Giắng luôn cố gắng vượt qua mọi thách thức, khó khăn khắc nghiệt nhất với tâm niệm “sống là phải hoạt động, hoạt động cho bản thân là một phần, hoạt động cho xã hội nữa thì cuộc sống mới sôi nổi”.

 

Ðã gần 50 năm nằm liệt trên giường, nhưng người đàn ông ấy có một nghị lực sống, một sự lạc quan yêu đời khiến những người gần gũi bên ông, hoặc biết ông phải ngỡ ngàng, thán phục. Vào mỗi buổi sáng, khi tiếng đài truyền thanh xã gần Trung tâm Bảo trợ xã hội Thái Bình vang lên cũng là lúc ông thức giấc, bắt đầu tập những bài tập thể dục của mình, làm vệ sinh cá nhân… tất cả những công việc đó đều được thực hiện trên giường. Ông chia sẻ: “Những năm trước mọi sinh hoạt cá nhân của tôi phải nhờ người khác giúp đỡ. Vì không muốn làm phiền đến người xung quanh nên trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày tôi luôn cố gắng tự làm lấy”.

 

Không chỉ nỗ lực tự làm những công việc sinh hoạt bình thường, ông Giắng còn nỗ lực để tự học. Chiếc giường bệnh rộng khoảng 1m2 của ông cũng chính là lớp học nhỏ với đủ “phương tiện” xung quanh: máy tính, máy in, sách, báo… Ông học từ bất cứ thứ gì có xung quanh, ông nghe đài từ sáng sớm đến đêm khuya, ông đọc sách, đọc báo rồi tập viết… Năm 2007 với số tiền 2 triệu đồng giành dụm được từ nhuận bút viết truyện cười và được Trung tâm hỗ trợ thêm, ông mua dàn máy vi tính với giá 4 triệu đồng. Năm 2009 được bạn bè giúp đỡ ông mua tiếp chiếc laptop mới. Nhờ đó, ông Giắng kết nối mạng Internet, chiếc máy tính trở thành người bạn giúp ông tiếp cận thêm được rất nhiều kiến thức và đặc biệt là có thể hòa nhập với thế giới bên ngoài. Ông từng tâm sự rằng “học như thế cũng chỉ là một sự chắp nối, kiến thức không sâu rộng, cũng không đạt đến trình độ nào, nhưng mình cứ chắp nối những cái mình nghe được, đọc được, tìm được rồi đến lúc nó cũng thành một hệ thống. Những cái đấy mình phải tự học”. Gần 50 năm nằm trên giường bệnh Phạm Minh Giắng vẫn luôn sống lạc quan với một ước nguyện “Sống là làm, làm mỗi ngày một đẹp hơn. Tôi sẽ sống như vậy và làm như vậy”.

 

Có thơ cuộc sống có thêm niềm vui!

 

Nằm ngửa gần 50 năm với những ngón tay co quắp tê liệt nhưng chữ Phạm Minh Giắng vẫn đẹp, thơ Phạm Minh Giắng vẫn giàu xúc cảm, truyện cười Phạm Minh Giắng vẫn dí dỏm. Ông đã viết - viết với cả niềm đam mê và sự đau đáu từ chính cuộc đời mình. Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông đến với thơ, ông bảo: “Nằm mãi cũng buồn cũng chán, mà khi buồn phải tự tạo cho mình niềm vui, thế là tôi viết, đầu tiên tôi tập viết truyện cười, dần dà  tập làm thơ”. Cái nhân duyên đơn giản có thế thôi nhưng với ông thơ không chỉ là niềm vui giải tỏa nỗi buồn mà còn là người bạn tri kỉ tâm giao để ông trải tiếng lòng với con người và cuộc đời.

 

Ðể có được những tri thức và nguồn cảm hứng viết, Phạm Minh Giắng đã đọc rất nhiều. Ông dùng toàn bộ số tiền có được để đặt mua sách báo mỗi tháng. Ông nghe đài hàng ngày và trở thành bạn thân của chuyên mục “Truyện đêm khuya” trên Ðài Tiếng nói Việt Namon>. Nhiều đêm ông thức trắng với trang web “lucbat.com” và mê mải với những câu thơ hay. Với ông thực tế là đó, cũng chính là nhựa đời mà ông dùng làm chất liệu hiện thực cho những sáng tác của mình. “Trong tâm khảm của mình đã chứa đựng sẵn những cảm xúc, bởi vậy chỉ cần có cái gì trên sách báo vô tình mang lại cho mình sự rung động là mình viết”. Những cảm xúc thường tự nhiên, những đề tài thường bất chợt vì thế thơ Phạm Minh Giắng rất thật, rất thực. Trong những bài thơ của ông là hình ảnh quê hương, đất nước tươi đẹp, những con người bình dị nơi làng quê hay đôi khi là tiếng cười hóm hỉnh của một chàng trai… Thơ đã mang đến cho Phạm Minh Giắng một cuộc sống ồn ào, sinh động và nhộn nhịp hơn. Có thơ, ông có thêm những người bạn, được trải lòng mình rộng hơn.  Với một tâm hồn luôn rộn ràng với thơ, đến nay Phạm Minh giắng đã sáng tác được hơn 500 bài cho ra đời 2 tập thơ: “Giọt mưa ngâu” năm 2008, tập thơ “Mười con mắt nhớ” năm 2009 và ông đang thai nghén tập thơ thứ 3 mang tên “Huệ trắng”.

 

Phạm Minh Giắng không chỉ làm thơ mà còn viết truyện cười. Truyện cười Phạm Minh Giắng đã tạo được thương hiệu, rất nhiều báo muốn đăng truyện cười của ông và rất nhiều độc giả thích đọc truyện cười của ông. Không có tờ báo nào của làng cười Việt Namon> lại không có những tác phẩm hóm hỉnh của ông. Hiện tại ông đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của hai ấn phẩm “Làng cười Việt Nam” và “Tuổi trẻ cười”. Với những nỗ lực của mình, Phạm Minh Giắng đã dành được nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt cuộc thi thơ về dân số và chất lượng cuộc sống năm 1998 và giải khuyến khích cuộc thi “hài truyền thanh” năm 1999 - 2000 do Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1998, giải nhì cuộc thi thơ “Một thế giới một tâm hồn” của Hội Bảo trợ người tàn tật năm 1999, giải khuyến khích cuộc thi thơ viết về đề tài thương binh liệt sĩ năm 2006 - 2007 do Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh tổ chức. Chia sẻ về dự định sắp tới, Phạm Minh Giắng hi vọng cuối năm 2013 ông sẽ chính thức trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và cho ra đời tập thơ “Huệ trắng”.

 

Trong suốt gần 50 năm, Phạm Minh Giắng vẫn luôn “nằm ngửa để sống, để thở và để... làm thơ”. Ông đã sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa. Nhìn những vết nhăn xô lại trên đôi má gầy gò của ông, chúng tôi càng thấy khâm phục một con người như Phạm Minh Giắng.

Bài, ảnh:  Phùng Nga

(Cộng tác viên)

 

  • Từ khóa