Thứ 7, 23/11/2024, 09:24[GMT+7]

Khó khăn không chùn bước

Thứ 6, 26/04/2013 | 08:34:33
1,633 lượt xem
Nhìn người đàn bà gầy gò, khắc khổ, nước da sạm đen, đôi tay sần sùi, lam lũ, ai cũng thương cảm. Cuộc đời chị đầy sóng gió, khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng nhờ có sự tiếp sức của tổ chức hội phụ nữ, chị đã gắng gỏi vượt qua, tiếp tục lao động, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Người phụ nữ đó là chị Hoàng Thị Hằng, sinh sống tại thôn Thượng, xã Tây Lương (Tiền Hải).

Chị Hoàng Thị Hằng (đứng bên phải) phấn khởi vì được đón nhận tư liệu sản xuất quý.

Gia đình chị Hằng có 5 khẩu, nhưng chỉ một mình chị là lao động chính. Chồng ốm đau luôn, một mình chị bươn chải kiếm tiền thuốc thang chữa bệnh cho chồng và nuôi 3 con ăn học. Chị bảo: vì không muốn con cái sống mãi trong đói nghèo, nên dù khó khăn, vất vả đến mấy vẫn phải động viên và gắng nuôi con ăn học, chỉ có con đường học hành mới mong thoát nghèo.

Để làm được điều đó, hàng ngày chị Hằng phải dậy từ rất sớm cho lợn, gà ăn, tranh thủ chạy ra đồng thăm mấy sào lúa rồi về đi phụ việc xây dựng cho kịp giờ. “Nghề phu hồ vất vả, mệt nhọc, lấm lem, tiền công không đáng là bao, công việc không đều, song nếu không đi làm đúng giờ và không có sức khỏe dễ bị mất việc lắm” - chị Hằng tâm sự. Gia đình có một mẫu ruộng công, chị nhận cấy khoán 3 sào của ông già, bà cả trong thôn để có thêm đồng ra, đồng vào.

Để cấy hết bằng đấy ruộng, ngày thì chị cấy một mình, ngày thì chị đổi công cho người khác. Chồng chị quanh năm, suốt tháng phải uống thuốc trị bệnh, riêng tiền thuốc mỗi tháng cũng mất tới nửa triệu đồng song vẫn giúp chị được việc vặt trong nhà. Mấy đứa con thương mẹ, chăm chỉ học hành, rảnh thì đỡ đần mẹ. Đó là niềm an ủi, động lực cho chị làm việc không mệt mỏi.

Trồng cây ai cũng mong đến ngày hái quả. Tưởng còm cõi nuôi con học đại học, lúc ra trường, có việc làm cả nhà sẽ được nhờ, mẹ sẽ đỡ cực. Nhưng hình như “ông trời” vẫn còn muốn thử thách chị. Người con thứ học giỏi nhất nhà tốt nghiệp đại học đang chờ việc thì bị bệnh hiểm nghèo, tinh thần rối loạn. Chồng ốm, con ốm, mỗi tháng hai bố con mất hàng triệu tiền thuốc.

Đã không thể đi làm, chị còn phải chạy tới, chạy lui ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện Hà Nội chữa bệnh cho con, khó khăn thêm chồng chất. Lo bệnh của con mãi không đỡ, lo đã gần hết vụ cấy mà không ở nhà cấy được. Thương cảm hoàn cảnh của chị, Chi hội Phụ nữ thôn Thượng đã vận động chị em đến cấy hộ 5 sào.

Khi con đỡ, về nhà, chị được Hội Phụ nữ xã ưu tiên cho vay 30 triệu đồng để mua 3 con lợn nái về nuôi. Nhìn đàn lợn lớn lên từng ngày chị mừng lắm, nhẩm tính 3 con lợn sề đều đẻ, sẽ có một đàn lợn con, nuôi một thời gian, có thể bán, trả nợ ngân hàng, thậm chí nếu được giá còn dư tiền trị bệnh cho 2 bố con và trang trải cuộc sống gia đình. Cứ như thế, chỉ vài năm sau, gia đình sẽ thoát nghèo.

Nhưng, dịch bệnh quét qua đã khiến cả 3 con lợn sề và đàn lợn con mới sinh chết hết. Thế là trắng tay, gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Xót xa công sức, tiền của mà không biết làm sao, vừa đào hố chôn đàn lợn chị Hằng vừa khóc như mưa. Tuy nhiên, chị cũng tự động viên mình không được gục ngã vì mình chính là chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần cho cả nhà. Hơn nữa, còn mấy sào ruộng sắp đến kỳ thu hoạch có thể giúp gia đình vượt qua cơn bĩ cực.

Xót xa thay, điều hy vọng cuối cùng đó cũng đã bị cơn bão số 8 đổ bộ vào Thái Bình cuối tháng 10 năm 2012 cuốn mất. Không lâu sau, mẹ đẻ của chị mất. Nỗi buồn, nỗi đau đan xen khiến mắt chị hoắm sâu. May mà bệnh tình của người con thứ đã đỡ nhiều, được bệnh viện cho về nhà tiếp tục điều trị, người con cả thì kiếm được việc làm thêm đỡ đần mẹ, Hội phụ nữ các cấp cũng kịp thời đến xoa dịu nỗi đau, chia buồn với chị, đồng thời trao cho gia đình tư liệu sản xuất quý.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Chị tin vậy và sẽ không bao giờ chùn bước trước khó khăn vì ngoài nghị lực, quyết tâm, tổ chức hội phụ nữ vẫn luôn sát cánh bên chị, hỗ trợ từ nguồn vốn, ngày công đến tư liệu sản xuất để mua con giống, chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế, giúp chị hiện thực hóa giấc mơ giản dị mà vô cùng khó khăn: “thoát nghèo”.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa