Thứ 7, 09/11/2024, 22:28[GMT+7]

Chuyện người quản trang ở An Tiêm

Thứ 2, 04/11/2013 | 10:10:34
2,216 lượt xem
Việc bản thân tự thiết kế sơ đồ mộ chí nghĩa trang (có nơi hung táng, cát táng riêng; quy định chiều rộng, chiều dài, chiều cao với các gia đình có phần mộ chuẩn bị cát táng) trình các cấp chính quyền phê duyệt, sau đó phối hợp với cán bộ trong thôn, xã vận động, giám sát nhân dân thực hiện việc quy hoạch nghĩa trang “đã được lên phương án” của ông Nguyễn Đức Tuy, quản trang thôn An Tiêm (xã Thụy Dân, Thái Thụy) 17 năm qua là một việc làm không chỉ giúp nghĩa trang thôn An Tiêm dần hình thà

Ông Nguyễn Đức Tuy chăm sóc những phần mộ cát táng được quy hoạch theo quy định của nghĩa trang thôn An Tiêm.

Có thể nhận thấy một thói quen không dễ bỏ, đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân không ít các làng quê hiện nay là: mỗi khi gia đình có đám tang hay chuẩn bị cát táng phần mộ người thân, người nhà thường đến các “thầy” xem hướng, vị trí đặt huyệt. Những ngôi mộ được đặt “theo ý thầy” nằm lộn xộn, không theo trình tự khiến việc quy hoạch nghĩa trang theo tiêu chí nông thôn mới đang và sẽ mất thêm thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân.

Việc bản thân tự thiết kế sơ đồ mộ chí nghĩa trang (có nơi hung táng, cát táng riêng; quy định chiều rộng, chiều dài, chiều cao với các gia đình có phần mộ chuẩn bị cát táng) trình các cấp chính quyền phê duyệt, sau đó phối hợp với cán bộ trong thôn, xã vận động, giám sát nhân dân thực hiện việc quy hoạch nghĩa trang “đã được lên phương án” của ông Nguyễn Đức Tuy, quản trang thôn An Tiêm (xã Thụy Dân, Thái Thụy) 17 năm qua là một việc làm không chỉ giúp nghĩa trang thôn An Tiêm dần hình thành theo tiêu chí nông thôn mới mà còn tạo điều kiện cho chính quyền và nhân dân  thôn xây dựng nếp sống văn hóa trong việc tang.

Chúng tôi đến thôn An Tiêm vào thời điểm người dân nơi đây đang tập trung chăm sóc cây màu vụ đông. Hỏi thăm nhà “ông Tuy quản trang”, anh Trịnh Quang Trung, người dân trong thôn cho biết: “Ông Tuy làm quản trang từ lâu rồi. Ở nhà ông có một sơ đồ mộ chí nghĩa trang thôn, nếu ai đi xa về hay nhà nào không nhớ rõ phần mộ của người thân cứ vào hỏi ông ấy là ra ngay. Làm quản trang bao nhiêu năm, công chỉ có một sào ruộng cấy chuột ăn “tơi bời” nhưng vì làm tốt nên bây giờ mỗi tháng xã phụ cấp cho ông 100.000 đồng”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Tuy. Tiếp chúng tôi là một ông lão 72 tuổi, mái tóc đã bạc nhưng dáng đi thì rất nhanh nhẹn. Ông Tuy cho biết, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương làm chủ nhiệm hợp tác xã thôn An Tiêm đến năm 1986 sau đó vì lý do sức khỏe ông xin nghỉ. Năm 1996, được lãnh đạo UBND xã Thụy Dân giao nhiệm vụ quản trang thôn, lúc đầu ông có phần dè dặt. Nhưng với suy nghĩ: những người nằm tại nghĩa trang thôn là tổ tiên, họ hàng, người thân, là hàng xóm láng giềng của mình, việc chăm lo chỗ an nghỉ của họ là một việc làm mang đậm tình cảm, là hành động thể hiện trách nhiệm của người con với quê hương, ông đã vui vẻ nhận lời.

Thời gian đầu khi ông Tuy mới tiếp nhận công việc, nghĩa trang thôn An Tiêm ngổn ngang những phần mộ quay theo nhiều hướng, nhiều kích cỡ, đồ dùng của người quá cố không được thu gom. Sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu một số văn bản quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang, với ý định giúp chính quyền và nhân dân quy hoạch nghĩa trang thôn bảo đảm văn minh, sạch đẹp, ông Tuy đã tiến hành lập sơ đồ mộ chí, quy cách mộ hung táng, cát táng theo quy định thống nhất: Với mộ hung táng, chiều dài 2,5m, rộng 1,2m, cao từ 0,6 – 0,7m, mộ nọ cách mộ kia từ mép huyệt đào là 1m; với mộ cát táng, mộ đơn diện tích 1,35m2, chiều dài 1,5m, rộng 0,9m; mộ kép diện tích 2,7m2 , chiều dài 1,5m, rộng 1,8m, khoảng cách giữa các mộ 0,3m, hàng cách hàng 0,8 m.

Kế hoạch của ông đưa ra được Đảng ủy, UBND xã ủng hộ, phê duyệt và triển khai thực hiện. Hai năm đầu, do tư tưởng chôn cất “chỗ nào cũng được”, xây cất “càng to càng oai” còn bám rễ  khá sâu trong suy nghĩ của người dân nên việc vận động nhân dân thực hiện quy hoạch nghĩa trang gặp nhiều khó khăn; không ít gia đình có biểu hiện chống đối. Ông Tuy phải kiên trì giải thích về ý nghĩa của việc chôn cất, xây cất theo quy hoạch, đồng thời thường xuyên phối hợp với chính quyền thôn, xã có những biện pháp “mềm dẻo” thay đổi suy nghĩ, nhận thức của các gia đình. Nhờ vậy, tất cả các gia đình lúc đầu có thái độ bất hợp tác nhưng sau đó đều đồng thuận và thực hiện theo quy định.

Đối với công tác vệ sinh môi trường tại nghĩa trang, vòng hoa của phần mộ sau 100 ngày, các phế liệu của người quá cố như quần áo, vải bó...  đều  được ông Tuy thu gom, phơi khô sau đó cho vào hố được xây sẵn, chờ lúc 1 - 3 giờ đêm có sương mù, ông đi ủng, xách đèn ra nghĩa trang dùng dầu hỏa hay rơm rạ đốt để khói không khuyếch tán xa, giữ vệ sinh môi trường cho làng xóm. Ông cũng thường xuyên đề nghị các gia đình không được chôn lấp bất cứ thứ gì khó tiêu hủy của người quá cố xuống lòng đất nghĩa trang vì còn phục vụ việc tái sử dụng cho những năm tiếp theo. Những phần mộ hung táng được ông thỏa thuận trước với người nhà chuẩn bị cát, vừng cỏ tránh xảy ra hiện tượng đào bới làm mất mặt bằng, tạo thành những vùng úng trũng trong nghĩa trang.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tuy cho biết: Từ khi có các quy định mới về quy hoạch nghĩa trang bảo đảm bảo văn minh, sạch sẽ, nhân dân An Tiêm đã thực hiện một cách tự nguyện, nền nếp; các phần mộ hung táng, cát táng đều được đào, đắp, xây theo đúng quy định thì công việc quản trang của ông có phần nhàn đi nhiều. Theo bước chân ông, chúng tôi được tận mắt chứng kiến con đường bê tông sạch sẽ dẫn đến khu mộ hung táng, các mộ hàng ra hàng, lối ra lối, cách đều, có chiều cao bằng nhau; 2 khu cát táng với những ngôi mộ đơn, mộ kép, mặc dù kiểu dáng khác nhau nhưng chiều rộng, dài, cao bằng nhau, cách đều; khu mộ hung táng một lần được xây riêng; nghĩa trang sạch sẽ, trang nghiêm.

Ông Tuy vui vẻ cho biết: “Gần đây, cán bộ một số xã lân cận có tìm đến học hỏi kinh nghiệm quy hoạch nghĩa trang của thôn An Tiêm. Mỗi con người đang sống trong xã hội thực sự là một tế bào trong xã hội ấy, vì vậy mọi hoạt động đều phải có ý thức. Việc quản trang cứ nghĩ là công việc đơn giản xong không phải vậy bởi mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có một suy nghĩ riêng trong chuyện tâm linh; có nhiều vấn đề rất khó giải quyết nhưng nếu có tâm thì khó khăn đến thế nào cũng sẽ vượt qua và làm tròn được trách nhiệm”.

Với những đóng góp cho dân, cho làng trong việc quy hoạch nghĩa trang thôn theo tiêu chí nông thôn mới, duy trì nếp sống văn hóa trong việc tang ở thôn An Tiêm, tại hội nghị tọa đàm “Dân vận khéo góp phần xây dựng nông thôn mới” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Tuy đã vinh dự được nhận Giấy khen của Ban Thường vụ Huyện ủy Thái Thụy.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa