Thứ 7, 23/11/2024, 09:33[GMT+7]

Những “ chuyến đò” thầm lặng

Thứ 6, 22/11/2013 | 09:45:59
2,970 lượt xem
Đến và chứng kiến lớp học đặc biệt ấy, chúng tôi mới thấy hết sự thiêng liêng, cao cả của tình nghĩa thầy trò. Nằm trong khuôn viên Hội Người mù tỉnh với không gian rộng chừng 20 m2, lớp học ấy không có phấn trắng, bảng đen mà chỉ có tiếng gõ lạch cạch, tiếng xếp những con ốc vào bàn cắm bằng gỗ cùng con tính, bàn tính và con cắm bảng dùi. Cô và trò đang miệt mài, chăm chỉ luyện chữ. Khác xa với những lớp học bình thường, đó là nơi học tập của những con người đặc biệt -

Lớp học chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh.

Không gian của người khiếm thị dường như sẽ bị bó hẹp nếu không có sự xuất hiện của lớp học tiền hòa nhập. Những lớp học này sẽ giúp họ khắc phục khiếm khuyết của đôi mắt để có thể tự ăn uống, định hướng di chuyển, học chữ Braille, tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc sách báo, giao lưu với bạn bè, xóa đi mặc cảm, tự ti về bản thân. Sau khi tham gia lớp học tiền hòa nhập, các học sinh khiếm thị có thể theo học tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Đức Cảnh như các bạn sáng mắt.

Thế nhưng, để “chuyến đò” ấy có thể cập bến, người chèo lái phải là những người tận tâm, đầy tình yêu thương và sự đồng cảm, biết khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức với số phận thiệt thòi. Sự khó khăn và nỗi vất vả của những người “lái đò” khó có thể diễn tả hết thành lời, bởi ngoài việc dạy các em biết chữ, các cô còn là người mẹ thứ hai, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho học trò.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Giáo viên lớp tiền hòa nhập là người khiếm thị, vì cùng cảnh ngộ nên họ rất hiểu, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của nhau, đảm nhiệm tốt công việc. Đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản từ Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng cho người mù tại Trung ương Hội Người mù Việt Namon>”.

Hiện nay, tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Hội Người mù tỉnh có hai giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lớp tiền hòa nhập, các cô đều là những giáo viên trẻ, nhiệt tình và tâm huyết. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình giảng dạy, cô Nguyễn Thị Muôn tâm sự: Các em nhỏ khi mới đến lớp còn rất nhiều bỡ ngỡ, một số em do chưa được tiếp xúc nhiều với bên ngoài cùng với khiếm khuyết về mắt nên việc dạy dỗ khá vất vả bởi các em hình dung được mọi thứ không được chính xác từ quy luật trái, phải đến định hình đồ vật, do đó chúng tôi phải chỉ tận tay từng chi tiết nhỏ.

Trường hợp Vũ Văn Tới (Hưng Hà) đến học tại Trung tâm khi tức giận hoặc không hài lòng về vấn đề gì em thường hay đập đầu vào tường, những lúc ấy chúng tôi phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cho em hiểu. Cô Muôn còn chia sẻ với chúng tôi về khó khăn trong việc truyền tải ký hiệu báo số, báo căn, căn lớn, căn nhỏ tới học sinh, đôi khi các cô phải tự nghĩ và dùng ký hiệu quen thuộc, dễ hiểu để học sinh nắm bắt nhanh hơn.

Ở lớp học ấy còn có cô giáo Phạm Thị Phương (xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương). Dù mới chỉ có 2 năm đứng trên bục giảng nhưng cô Phương đã trở thành người mẹ của các em học sinh tại Hội Người mù tỉnh. Cô chăm sóc học sinh của mình tận tụy, không quản ngày đêm, có những em rất nhỏ, mới 5 tuổi, phải chú ý uốn nắn, dạy dỗ mong sao có thể bù đắp được những thiệt thòi cho số phận kém may mắn.

Cô tâm sự: Đã từng trải qua nên tôi rất hiểu cảm giác của học sinh khiếm thị, nếu không có sự định hướng kịp thời sẽ dẫn đến triệu chứng mặc cảm, tự ti. Bản thân tôi trước kia đã được các thầy cô chăm chút, tôi muốn mang kiến thức học được truyền lại cho các em, khơi dậy tinh thần lạc quan, yêu đời. Cô luôn mong muốn sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức để có thêm nhiều trẻ em khiếm thị được tham gia lớp học tiền hòa nhập.

Đến nay, hầu hết học sinh tại lớp tiền hòa nhập đều rất tiến bộ, chăm ngoan và nghe lời thầy cô. Khi tham gia học tại lớp giáo dục hòa nhập, một số em đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến nhiều năm liền như Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Hữu Việt, Chu Đình Tuấn. Có được điều đó, không thể không nhắc đến công lao của những con người thầm lặng, vẫn ngày đêm miệt mài chở những “chuyến đò” cập bến.

Dù còn khó khăn về điều kiện vật chất, không gian chật hẹp, đội ngũ giáo viên còn thiếu song với sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Tỉnh hội, sự nhiệt tình của thầy cô, ý thức chăm chỉ cần cù của học sinh với tinh thần “tự lực, tự cường, rèn luyện vươn lên hòa nhập cộng đồng”, lớp học tiền hòa nhập sẽ là bước đệm để các em khiếm thị tự tin hơn, được học tập dưới mái trường như các bạn bình thường, đồng trang lứa. Mong sao những “chuyến đò” và người cầm lái ấy luôn vững tay chèo để có thể chở thêm nhiều học sinh khiếm thị, giúp họ vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho xã hội.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa