Thứ 7, 23/11/2024, 20:56[GMT+7]

Tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ 6, 21/06/2019 | 08:35:45
1,071 lượt xem
Là vùng đất, vùng biển, vùng trời của Việt Nam, Trường Sa được ví như phên dậu, bức tường thành bảo vệ phía Đông của Tổ quốc. Đến với Trường Sa là cả một hành trình đầy gian khổ nhưng là mơ ước, niềm tự hào của mọi người dân đất Việt và của mỗi nhà báo. Chuyện tác nghiệp của nhà báo ở Trường Sa cũng nhiều thú vị.

Các nhà báo tác nghiệp tại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Trường Sa.

Chúng tôi ra Trường Sa vào mùa biển động. Những con sóng bạc đầu cứ chồm lên như muốn nuốt chửng mọi thứ vào lòng biển sâu. Con tàu hải quân mang số hiệu HQ936 chở hàng trăm chiến sĩ trẻ và cánh nhà báo chúng tôi cùng hàng tấn nhu yếu phẩm cho các đảo chuẩn bị đón tết cứ trồi lên, hụp xuống theo từng đợt sóng. Tàu rung, lắc, chao đảo khiến cho phần lớn anh em bị say sóng nôn đến “mật xanh, mật vàng” và nằm bẹp. Qua 3 ngày mệt nhoài vì say sóng và không dám ăn cơm chỉ uống nước cộng với vài miếng mì tôm sống, chúng tôi cũng như nhiều chiến sĩ trẻ đã quen dần với sự chao đảo, nghiêng ngả của tàu. Vừa thoát khỏi say sóng, tàu neo đậu ở đảo Đá Lớn - đảo đầu tiên trong hải trình đến với các đảo thuộc tuyến giữa quần đảo Trường Sa, các nhà báo háo hức chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp, vừa đặt chân lên đảo, nhiều anh em lại nôn thốc nôn tháo vì say đất. Chuyện say sóng thì có thể nhiều người từng trải, nhưng chuyện say đất chắc chỉ những ai ra tới Trường Sa mới hiểu được. Dù vất vả là vậy song được đặt chân lên đảo, được chạm tay vào những hạt cát của đảo ai cũng lâng lâng sung sướng và cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung cho công việc. Những nhà báo chúng tôi thì mải móng mang đồ nghề: bút, sổ tay, máy ảnh, máy quay, laptop được bọc kín trong chiếc túi nilon ra để tác nghiệp.

Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa. 

Thời gian ở trên đảo ngắn, việc tác nghiệp của nhà báo cũng phải rất khẩn trương. Trước khi lên mỗi đảo, nhà báo phải ngồi trao đổi với đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4, Quân chủng Hải quân để nắm tình hình, đặc điểm của mỗi đảo sẽ đến và dự kiến sẽ triển khai thu thập tư liệu những gì và như thế nào cho nhanh. Thế nhưng, lên đến đảo, thoáng chốc đã quên bởi sự chào đón nồng hậu, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt của những người lính đảo Trường Sa dành cho nhà báo như người thân trong nhà lâu ngày gặp lại. Cái cảm xúc thân tình và tình người trên đảo bao trùm tất cả là cảm xúc không dễ có được của nhà báo khi đi cơ sở làm việc đã chi phối ít nhiều ý đồ tác nghiệp của anh em. Song, chính sự gần gũi, chân tình của người lính đảo đã gợi mở ra nhiều đề tài và là điều kiện thuận lợi cho nhà báo thu thập được những thông tin chân thực, sống động, nhân văn và cũng rất nhanh chóng. Nhà báo Nguyễn Hồng Thái, Báo Biên Phòng chia sẻ: Biển trời quê hương ta đẹp. Những người con ưu tú, kiên cường của đất liền ở đảo là nguồn cảm xúc vô tận và đầy chất thơ để mỗi nhà báo sáng tạo ra những tác phẩm báo chí lay động lòng người.

Đi, quan sát, hỏi, nghe, ghi chép, chụp ảnh, quay phim, các nhà báo tận dụng từng phút, từng giây để tác nghiệp. Dường như nhà báo nào cũng chụp, ghi lại tất cả những gì mắt thấy, tai nghe ở trên đảo, chẳng còn thực hiện theo kế hoạch đã định sẵn từ trước nữa. Nhà báo Đoàn Tùng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Thời gian ở trên đảo ngắn và rất khó có cơ hội trở lại lần thứ hai nên không riêng tôi mà các nhà báo đều phải chắt chiu từng phút để lấy tư liệu vừa phản ánh, đưa tin kịp thời về tòa soạn, vừa phải dự trữ để khi về đất liền tiếp tục viết bài.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp trên đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa.

Nếu như ở đất liền, chuyện các nhà báo chạy đua, cạnh tranh đưa tin trước và giữ riêng cho mình những tài liệu độc quyền để phản ánh trên mặt báo như là một sự tất yếu phải có, thì ở Trường Sa chuyện đó không còn. Giữa muôn trùng con sóng và ở nơi hải đảo xa xôi, các nhà báo ăn, ở, sinh hoạt gắn bó cùng nhau như anh em một nhà. Lên đảo, các sự kiện diễn ra rất nhanh và đôi khi cùng lúc khiến nhà báo có “vắt chân lên cổ” cũng chẳng thể bao quát hết để thu thập thông tin. Thực tế đó dễ dẫn tới tình trạng “vác máy quay đến lại vác máy về” mà chẳng có được thông tin hoàn chỉnh. Chính từ hiện thực đó khiến các nhà báo hiểu hơn câu tục ngữ “Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và biết phân công, chia nhau ra để bám các sự kiện, rồi tập trung lại chia sẻ cho nhau tài liệu mình thu thập được. Nhiệm vụ của các nhà báo lúc này là làm thế nào có nhiều thông tin nhất và mục tiêu chung là phản ánh đầy đủ về chủ quyền quốc gia, vẻ đẹp của biển, đảo quê hương Việt Nam và tinh thần, ý chí chiến đấu, kiên cường của những người lính đảo ngày đêm chắc tay súng canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Nhà báo Ánh Hồng, Đài PTTH Bình Định chia sẻ: Sự hy sinh lớn lao của ông, cha và bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đoàn kết bảo vệ bờ cõi nước nhà đã lan tỏa và thấm đượm vào suy nghĩ, hành động của nhà báo. Vì vậy, chẳng có lý gì mà các nhà báo lại không đoàn kết, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ khi công tác tại Trường Sa.

Yêu quý nhau như anh em một nhà nên dù đã kết thúc chuyến công tác Trường Sa, nhưng các nhà báo trên con tàu HQ936 vẫn trân trọng những ngày đêm gắn bó với nhau ở nơi miền cực Đông của Tổ quốc. Và họ vẫn thường xuyên liên lạc hỏi thăm nhau, gặp gỡ động viên, chia sẻ với nhau chuyện buồn, vui về cuộc sống, về nghề để cùng nhau tiến bộ.

Khắc Duẩn