Thứ 7, 23/11/2024, 21:28[GMT+7]

Gieo thẳng lúa mùa - “lợi bất cập hại”

Thứ 4, 10/07/2019 | 08:42:59
4,063 lượt xem
Mặc dù rất nhiều khuyến cáo của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn đưa ra về tình trạng gieo thẳng lúa, nhất là lúa mùa nhưng với những lý do như “tiện hơn”, “bớt công lao động”, “quen rồi” mà nhiều nông dân vẫn gieo thẳng lúa mùa. Tuy nhiên, lợi ích thì nhỏ mà hậu quả, rủi ro lại lớn hơn.

Đẩy mạnh cấy bằng máy là một trong những giải pháp giải quyết thiếu lao động thời vụ và hạn chế gieo thẳng lúa.

Cánh đồng thôn Khê Kiều, xã Minh Khai nhìn tổng thể như “xôi đỗ”, ruộng lúa cấy màu xanh xen lẫn với ruộng gieo thẳng màu nâu đất. Dưới cái nắng chang chang gay gắt, chị em đi cấy vẫn miệt mài “lùi ô”, không để ý đến thời tiết nhưng những hộ đang gieo sạ lúa thì vừa gieo lúa vừa lo trời đổ mưa bất chợt. 

Bà Trần Thị Ngát, thôn Khê Kiều chia sẻ: Vụ mùa là thời điểm hay xảy ra mưa bão nên gieo thẳng, gieo sạ lúa cũng như “đánh bạc”, gieo xong mà không may gặp mưa thì coi như hỏng luôn ruộng lúa đã gieo. Thậm chí lúa đã lên cứng cáp, vài ba lá rồi nhưng mưa lớn, nước ngập thì lúa vẫn chết vì ngập úng. 

Biết là vậy nhưng gia đình bà Ngát vẫn gieo thẳng vì lý do không có người cấy, gieo thẳng cho nhanh. Nếu những hộ cấy thì cấy xong là đã khá yên tâm thì ngược lại bà Ngát gieo xong vẫn “ngấp nghển” lo trời mưa, lo ốc bươu vàng, chuột cắn hạt thóc mầm mới gieo. Có năm ăn may, gieo thẳng không hỏng nhưng cũng không ít năm lúa mùa gieo thẳng của gia đình bà bị hỏng.

Cánh đồng thôn Tân An, xã Song An, trong khi hầu hết các hộ đã cấy xong lúa mùa thì bà Nguyễn Thị Hợp cùng một vài hộ đang cuốc đất, bừa ruộng thủ công. Lý giải việc này, bà Hợp cho biết, gia đình bà và một số hộ khác đã gieo sạ lúa mùa trà sớm cách đây vài ngày nhưng lúa gieo xong lúc chiều tối thì đến đêm trời đổ mưa to khiến mầm lúa giống bị xô dạt, nước ngập làm thối, hỏng mầm, gia đình bà hỏng luôn thửa ruộng hơn 3 sào. Tiếc ruộng, bà Hợp đi xin mạ của các hộ khác để cấy lại. Ruộng sau khi gieo sạ, đất đã cứng lại, buộc phải làm đất lần hai mới có thể cấy nhưng diện tích nhỏ nên bà không thể thuê được máy đến làm đất. Bà Hợp buộc phải cuốc lại, bừa ruộng thủ công để cấy mạ diệc thay thế. 

“Thật không cái dại nào giống cái dại nào, nếu cấy ngay từ đầu thì tôi đã không khổ thế này. Tưởng là gieo sạ cho nhàn, đỡ vất vả, hóa ra lại khổ, tốn lắm công sức, chi phí hơn, lần sau thì tôi xin “cạch” gieo sạ, cứ cấy cho chắc ăn” - bà Hợp than thở.

Mặc dù đồng ruộng nằm ở vùng “rốn nước” của vùng nhưng ngay cả ở vụ mùa, rất nhiều nông dân xã Hiệp Hòa vẫn đánh liều gieo thẳng lúa. 

Ông Phạm Khắc Bỉnh, Giám đốc HTXNN xã Hiệp Hòa cho biết: Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện và khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, địa phương rất tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cấy lúa mùa thay vì gieo thẳng, gieo sạ để giảm tối đa rủi ro do thiên tai, ảnh hưởng của sử dụng thuốc diệt cỏ đối với đồng ruộng. Tuy nhiên, ở mấy vụ mùa gần đây tỷ lệ lúa gieo thẳng của xã vẫn chiếm trên 40% trong tổng số 360ha lúa mùa. Đã có vụ mùa gặp mưa lớn, cây lúa gieo sạ chưa kịp phát triển cao nên bị ngập úng, lúa hỏng cả cánh đồng. Đến nay, bà con đã nhận thức được hậu quả của việc gieo thẳng lúa mùa, tuy nhiên, do tình trạng thiếu lao động và nhiều hộ làm liều, làm ẩu gieo sạ cho nhanh, tâm lý “được thì ăn, mất thì thôi” khiến nhiều hộ vẫn cố tình gieo thẳng lúa mùa.

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Vụ mùa năm nay, Vũ Thư phấn đấu gieo cấy 8.037ha lúa, tăng 77ha so với vụ mùa năm 2018 do mở rộng diện tích gieo cấy ở các diện tích bỏ hoang. Đến ngày 6/7, nông dân các địa phương đã gieo cấy được khoảng 6.500ha, trong đó, qua khảo sát, diện tích cấy đạt 5.000ha, diện tích gieo thẳng khoảng 1.500ha. Ở vụ mùa, điều kiện thời tiết thường xuyên có mưa lớn nên gieo thẳng lúa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân. Lúa gieo thẳng cần sử dụng lượng thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng lớn hơn nhiều so với lúa cấy, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng môi trường. Do đó, vụ mùa năm nay, huyện chỉ đạo các địa phương lập đề án sản xuất phải thuận lợi cho công tác cấy lúa mùa, giảm diện tích gieo thẳng; tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng cấy lúa mùa thay thế cho phương pháp gieo thẳng. Tuy nhiên, kết quả diện tích lúa gieo thẳng trên địa bàn vẫn còn khá cao, nhất là ở một số xã như Hiệp Hòa, Minh Lãng, Việt Hùng, Hồng Lý... Nguyên nhân là do lao động nông nghiệp ngày càng thiếu, trong khi đó cấy lúa mùa đòi hỏi nhiều công lao động. Chi phí thuê lao động cấy lúa mùa thủ công hiện nay bình quân 300.000 đồng/sào, nhiều nơi 350.000 đồng/sào, chi phí này lớn, nhiều hộ nông dân không có điều kiện thuê nhưng cũng không có người cấy nên làm liều gieo thẳng. Có một phương án khác là thay cấy thủ công bằng phương pháp cấy lúa bằng máy, chi phí rẻ hơn (bình quân 250.000 đồng/sào), tốc độ cấy nhanh hơn, tuy nhiên một cái khó khác là toàn huyện hiện có hơn 8.000ha lúa mùa nhưng mới chỉ có 10 cái máy cấy, với công suất hiện tại đáp ứng được việc cấy lúa mùa bằng máy cho tối đa 150ha lúa, tức là chưa đạt 2% tổng diện tích. Nguyên nhân khác là hiện nay nhiều hộ không mặn mà với đồng ruộng, chủ yếu là lao động ở các xí nghiệp, họ tranh thủ ngày nghỉ để gieo thẳng lúa với tâm lý “được thì ăn, mất thì thôi” nên rất khó vận động họ cấy. Tôi cho rằng ngoài tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của nông dân thì các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực vận động, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư đưa nhiều máy cấy xuống đồng ruộng. Đây là giải pháp thiết thực để giảm diện tích lúa gieo thẳng, tăng diện tích lúa cấy, góp phần bảo vệ an toàn cho lúa mùa trong mùa mưa bão đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đồng ruộng so với lúa gieo thẳng.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày