Thứ 2, 18/11/2024, 07:40[GMT+7]

Bắc Bộ và Trung Bộ ngày nắng nóng gay gắt

Thứ 2, 04/07/2022 | 07:52:40
784 lượt xem
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 4/7, các khu vực đều có mưa và dông (chủ yếu tập trung vào chiều tối và đêm. Riêng Bắc Bộ và Trung Bộ ngày nắng nóng gay gắt có nơi trên 38 độ C.

Trên biển, hiện khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió Tây Nam đến Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.

Dự báo: Trong ngày 4/7, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3 m, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.

Diễn biến thời tiết các khu vực: Phía Tây Bắc Bộ ngày nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C, có nơi dưới 25 độ C; cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Riêng khu vực vùng núi chiều tối có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 28-31 độ C, vùng núi có nơi dưới 25 độ C, cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thủ đô Hà Nội ngày nắng nóng gay gắt; chiều tối có lúc có mưa rào và dông, đêm không mưa, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 29-31 độ C, cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 29-32 độ C, cao nhất 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận ngày nắng, riêng phía Bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 27-30 độ C, cao nhất phía Bắc 34-37 độ C, có nơi trên 38 độ C, phía Nam 31-34 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi dưới 22 độ C, cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 31 độ C.

Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả; chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn.

Người dân nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Người dân nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...) để dễ toát mồ hôi; khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi; đeo kính râm để bảo vệ mắt...

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...

Trong thời gian có bão, ngư dân và thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân cần kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngư dân và các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân và các thuyền viên phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới, ngư dân và thuyền viên cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.

Bên cạnh đó, ngư dân và các thuyền viên cần chú ý khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km (khoảng 200 hải lý).

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày