Thứ 7, 23/11/2024, 23:09[GMT+7]

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão

Thứ 3, 29/10/2019 | 14:48:22
772 lượt xem
"Đây là cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, với tính chất rất phức tạp, nguy hiểm do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão, đồng thời chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị công tác chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sáng 29/10, tại Hà Nội.     

Dự báo, ngày 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão ảnh hưởng tới khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia được chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên truyền phòng chống thiên tai.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thuỷ sản, Kiểm ngư phối hợp với các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ và cảnh báo kịp thời cho ngư dân, người lao động biết được những vùng nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền di chuyển, neo đậu và tránh trú, đặc biệt là các tàu du lịch, tàu vãng lai. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo an toàn cho người và các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản; kiên quyết không để người dân trên thuyền, lồng bè.

Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và các địa phương rà soát lại các hồ thuỷ điện, hồ thủy lợi đảm bảo an toàn khi mưa lũ xảy ra.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã ban hành văn bản gửi các tỉnh chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, yêu cầu chủ động các biện pháp ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan, đặc biệt đối với các khu vực nguy hiểm như: lũ quét, sạt lở đất, tai biến địa chất tại các khu vực miền núi.

Đường đi và vị trí của cơn bão. Ảnh: nchmf.gov.vn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Áp thấp nhiệt đới/bão sẽ gây mưa lớn đặc biệt khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải chủ động trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt phải chú ý hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi đảm bảo an toàn cho sản xuất và các hoạt động khác. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và cộng đồng về việc chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị: Hiện còn 741 tàu đang ở khu vực nguy hiểm, các lực lượng chức năng cần thông tin, hướng dẫn cho chủ tàu và các phương tiện tránh trú, vào bờ an toàn. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành lệnh cấm biển tại các địa phương. Các địa phương cần thực hiện tốt hoạt động quản lý khách du lịch, sơ tán dân, chuẩn bị nhu yếu phẩm, phân luồng giao thông và đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường...

Liên quan đến diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Đây là hình thế thời tiết rất đặc biệt, đặc trưng cho sự kết hợp của nhiều hình thế thời tiết với nhau. Đầu tiên là việc hình thành áp thấp nhiệt đới ngay trên dải hội tụ nhiệt đới. Bên cạnh đó, là việc kết hợp với không khí lạnh tạo ra hình thế rất nguy hiểm gây mưa cho khu vực miền Trung do yếu tố địa hình. Ngoài ra, khu vực miền Trung đang vào mùa mưa bão nên thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn. Trong mùa mưa bão năm nay, áp thấp nhiệt đới này là cơn đầu tiên đổ về phía Nam Trung Bộ, gây mưa lớn trên diện rộng nên cần đề phòng lũ, ngập lụt.

Ngoài ra, cơn áp thấp nhiệt đới/bão này kết hợp với nước dâng do triều cường sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực Trung Bộ. Thêm vào đó, Nam Bộ cũng đang bị ảnh hưởng nước dâng do triều cường nên khu vực này, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, cần lưu ý đến triều cường. Dựa trên những tính toán từ bản tin Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp thì mức độ ngập do triều cường là khoảng 1,7 m.

Theo báo cáo, đến 6 giờ ngày 29/10 các lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.968 phương tiện/209.082 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Trong đó hoạt động khu vực nguy hiểm là 741 tàu/8.487 người; ở khu vực khác và neo tại bến là 44.227 tàu/200.595 người.

Hiện tại mực nước các hồ chứa khu vực Trung Bộ ở mức thấp, nhiều hồ chứa đã xuống cấp hoặc đang sửa chữa. Cụ thể, các hồ chứa tại Bắc Trung Bộ ở mức 57 - 85% dung tích thiết kế (riêng hồ chứa tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạt 16% dung tích); có 53 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; các hồ chứa Nam Trung Bộ ở mức 40 - 70% dung tích thiết kế; có 24 hồ chứa xuống cấp hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Các hồ chứa ở Tây Nguyên ở mức 72 - 89% dung tích thiết kế; có 5 hồ chứa có cửa van đang xả tràn, 41 hồ chứa hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Theo: baotintuc.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày