Thứ 4, 13/11/2024, 06:43[GMT+7]

Làm giàu từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi

Thứ 2, 22/07/2019 | 08:09:11
2,736 lượt xem
Đến xã Chương Dương (Đông Hưng) hỏi thăm ai cũng biết chị Phạm Thị Chè ở thôn Sổ là hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi. Trên diện tích 1.800m2 đất chuyển đổi, chị kết hợp trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó chị đã đưa gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mỗi vụ chị Chè thu nhập hàng chục triệu đồng từ mít.

Chị Chè cho biết, trước đây tôi cũng làm nông nghiệp, ngoài ruộng khoán còn thuê thêm ruộng của các hộ không cấy để cấy lúa chất lượng cao; lúc nông nhàn tranh thủ chạy chợ mà vẫn “thiếu trước hụt sau”. Năm 2012, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển đổi 1.800m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm vườn, ao, chuồng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Những ngày đầu mới ra khu chuyển đổi, gia đình chị Chè gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức về chăn nuôi, khoa học kỹ thuật, đất trồng cây bị chua phèn nên cây trồng bị chết hoặc phát triển chậm... Không nản chí, chị tiếp tục vay mượn thêm 50 triệu đồng đầu tư xây dựng thêm chuồng trại và mua con giống, cải tạo vườn trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Đến nay, khu chuyển đổi của gia đình chị đã có đầy đủ các loại cây ăn quả như mít, ngô, khoai, ớt và rau màu các loại, được phân chia thành các khu nhất định rất khoa học. Đặc biệt, chị Chè trồng được hơn 80 cây mít đã cho thu hoạch, vụ này mít rất sai quả, hiện chị đang cắt bán với giá 15.000 đồng/kg. Mỗi vụ chị thu nhập hàng chục triệu đồng từ mít. Ngoài ra, chị còn nuôi hàng trăm con gà, vịt, nuôi cá giống thu hoạch 2 vụ/năm với 3 tạ/vụ... 

Chị Chè tâm sự: Khi cây trồng đang lên xanh tốt thì gặp bão đổ hết, úng nước thối rễ chết hết, tiếc lắm, chỉ biết đứng nhìn vườn cây rồi khóc. Qua tìm hiểu tôi thấy cây mít quả dễ tiêu thụ, giá cao nên trồng lại các cây đã chết bằng mít. Đến nay, hơn 10 cây mít đã cho thu hoạch được 3 năm. Cá giống thì tôi cho ăn cám, ăn cỏ, nuôi cá giống dễ, thu nhập cao hơn nuôi cá thịt. 

Trừ chi phí, gia đình chị Chè thu lãi mỗi năm trên 70 triệu đồng. Vừa qua, gia đình chị có 15 con lợn, trong đó có 5 con lợn nái và 10 con lợn thịt bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau khi tiêu độc, khử trùng chuồng trại, chị đã mua con giống khác như gà, vịt, chim bồ câu và chó về nuôi thay thế lợn để không làm giảm thu nhập của gia đình.

Không chỉ phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, chị Chè còn nhận thêm một mẫu ruộng cấy lúa chất lượng cao như BC15, TBR225, đầu tư mua một máy cày nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Không cam chịu đói nghèo, thất bại không nản, chịu thương chịu khó, làm giàu chính đáng nên chị Phạm Thị Chè đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng là hội viên xuất sắc trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con ngoan, 5 năm liền gia đình chị đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. 

Chị Lại Thị Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chương Dương cho biết: Chị Phạm Thị Chè là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi. Mô hình phát triển kinh tế của chị  mang lại hiệu quả cao, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn xã.


Thu Hiền