Thứ 3, 19/11/2024, 13:50[GMT+7]

Đề xuất giữ giá điện mặt trời áp mái hơn 2.150 đồng một kWh đến hết 2021

Thứ 4, 19/06/2019 | 08:11:59
563 lượt xem
Bộ Công Thương vẫn muốn bảo lưu cách tính giá điện theo 4 vùng đã trình trước đó.

Công nhân kiểm tra lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ảnh: EVNSPC

Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.156 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019.

Trong phương án giá điện mặt trời sau 30/6 mới trình Chính phủ xem xét, Bộ Công Thương bổ sung phương án chia 2 vùng giá theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh cách tính chia 4 vùng. 

Theo cách phân 2 vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) mỗi kWh với dự án điện mặt trời mặt đất. Tương tự, các mức giá tại vùng 2 (6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận...) lần lượt là 7,89 cent, khoảng 1.803 đồng và 6,67 cent (1.525 đồng) một kWh.

Tuy nhiên, Bộ này kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia 4 vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi...) như đã trình cấp có thẩm quyền vào tháng 5. Cụ thể, giá thấp nhất là 6,67 cent (1.525 đồng) một kWh với dự án điện mặt trời mặt đất tại vùng 4; cao nhất là điện mặt trời áp mái 9,35 cent (2.156 đồng) một kWh ở cả 4 vùng. 

Bộ cũng kiến nghị để một giá 9,35 cent (tương đương 2.156 đồng) một kWh cho các dự án điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021. 

Xin giữ phương án chia 4 vùng theo bức xạ vì Bộ Công Thương cho rằng, việc phân thành 2 vùng sẽ không đủ khuyến khích trong thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và Trung. Các dự án điện mặt trời vẫn lặp lại tồn tại là tập trung nhiều ở các khu vực tiềm năng bức xạ tốt (Bình Thuận, Ninh Thuận...), nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải.

"Các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại 1 vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống sẽ khó khăn hơn", Bộ Công Thương nêu. 

Còn lý do đề xuất áp dụng một giá 9,35 cent cho các dự án điện mặt trời mái nhà trong 3 năm tới, cơ quan này cho rằng, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất. Ba năm qua đã có 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45 MW.

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, sau Quyết định 11/2017 đã có 34 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.660 MW vào vận hành thương mại. Đến hết tháng 6 dự kiến có thêm 54 dự án với hơn 3.800 MW vận hành thương mại. 

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày