Thứ 2, 18/11/2024, 21:30[GMT+7]

Nỗi lo giá thịt lợn tăng cao

Thứ 2, 23/12/2019 | 08:37:25
1,851 lượt xem
Gần 2 tháng nay, giá thịt lợn không ngừng tăng cao và có khả năng tiếp tục tăng tiếp vào dịp tết Nguyên đán. Giá thịt lợn tăng cũng kéo theo giá một số mặt hàng thực phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu hàng ngày, khiến người tiêu dùng rất lo lắng.

Giá thịt lợn tăng nhanh nên sức tiêu thụ giảm.

Những ngày này, câu chuyện của các bà, các chị nội trợ hầu như xung quanh việc giá thịt lợn tăng phi mã. Mỗi ngày giá một tăng cao, 2 tháng trước 1kg thịt nạc vai giá 80.000 đồng thì nay (22/12) đã tăng lên 180.000 đồng/kg. Giảm bớt lượng thịt lợn tiêu thụ xuống mức thấp nhất, thắt chặt chi tiêu hơn cho mặt hàng thịt lợn là tình trạng chung của nhiều người tiêu dùng trong thời điểm giá thịt lợn tăng cao. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Dù rất thông cảm với người chăn nuôi, nhưng trước đà tăng giá phi mã của thịt lợn, đặc biệt khi tại chợ giá thịt lợn tăng hàng ngày và một số loại thịt lợn lên mức gần 200.000 đồng/kg, nhiều bà nội trợ tỏ ra ngao ngán. Bởi giá thịt tăng, nhiều loại thực phẩm khác cũng ồ ạt tăng theo. Chị Nguyễn Thị Chiên, tổ 5, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Nhà có 5 người nhưng toàn người đang sức ăn. Bữa cơm nào cũng phải có thịt vì đó là sở thích của bọn trẻ. Trước kia cầm 100.000 đồng đi chợ là thoải mái cho cả nhà. Với thịt lợn 5 lạng hết khoảng 45.000 đồng, rau 10.000 và bát canh cá hay cua hết khoảng 30.000 đồng. Nhưng những ngày gần đây, đi chợ mua 5 lạng thịt đã hết gần 100.000 đồng rồi. Mà mâm cơm thì không thể có một món, còn phải có những món khác ăn kèm nữa.

Thịt lợn tươi tăng kéo theo các mặt hàng được chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo, như giò, chả, mọc, xúc xích, ruốc... Cùng với đó, do giá thịt lợn quá cao, người dân chuyển sang sử dụng đan xen nhiều hơn các loại thực phẩm khác như cá, thịt bò, thịt gà..., giá một số loại thịt động vật khác như thịt bò, thịt gà cũng tăng nhẹ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Có thể thấy, giá thịt lợn tăng gây áp lực lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Đối với người Việt Nam, thịt lợn là thực phẩm phổ biến nhất, chiếm khoảng 70% trong thực đơn của mỗi gia đình. Cho nên chỉ có thể giảm chứ không thể bỏ hoàn toàn thịt lợn để thay thế các món khác. Vì vậy, mỗi khi đi chợ các bà, các mẹ, các chị phải là những người tiêu dùng “thông thái” để bữa ăn gia đình vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa không ảnh hưởng nhiều đến việc chi tiêu. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, tổ 18, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) cho biết: Thịt lợn tăng, mình chi tiêu sẽ khó hơn. Trước đây 1 tuần nhà tôi ăn thịt lợn 3 - 4 bữa, nay chỉ từ 1- 2 bữa. Gia đình tôi chuyển sang ăn các loại thịt khác như: thịt gà, cá, hải sản. Các thực phẩm tươi sống khác cũng tăng nhưng chỉ tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg còn thịt lợn tăng cao quá và chắc còn tiếp tục tăng.

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Thái Bình, giá thịt lợn đã tăng gấp 2,5 lần so với trước, mức cao kỷ lục trong những năm gần đây và hiện chu kỳ tăng giá này vẫn đang tiếp tục, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân dễ thấy là do ảnh hưởng từ bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ đầu năm đến nay dẫn đến nguồn cung lợn hơi khan hiếm. Sau thời gian bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, rất nhiều gia đình, nhiều trang trại đã không còn lợn trong chuồng. Hiện nay nguồn lợn phải nhập từ miền Nam cũng khiến tăng thêm nhiều chi phí. Bà Trần Thị Nhung, kinh doanh thịt lợn tại chợ Đề Thám (thành phố Thái Bình) hàng chục năm nay cho biết: Bây giờ muốn lấy nhiều hàng cũng không có. Giá mỗi ngày một tăng, hôm nay giá lợn hơi đã gần 100.000 đồng/kg. 2 tháng trước, chợ Đề Thám có khoảng 15 người giết mổ thì bây giờ chỉ còn 6 - 7 người do không mua được lợn hơi. Cứ tình hình tăng như thế này thì người bán chúng tôi không có lãi, chủ yếu là để giữ khách thôi. Còn theo chị Đặng Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Hải sản thì so với trước giá thịt lợn thành phẩm tăng gấp 2,5 lần nhưng giá lợn hơi tăng gấp 3 lần nên kinh doanh bây giờ là thua lỗ nhưng phải chấp nhận để giữ khách.

Cũng do thịt lợn tăng giá, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thịt lợn trong chế biến cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, phải tính toán bằng cách tăng giá tiền hoặc cắt giảm bớt lượng thịt so với trước. Hầu hết đều chọn giữ nguyên mức giá, bởi nếu tăng giá nhiều khả năng sẽ mất một lượng khách không nhỏ nên các cửa hàng đành chấp nhận việc giảm nguồn thu, đợi giá thực phẩm ổn định trở lại. Chị Phan Thu Trang, chủ cửa hàng bánh mì kẹp thịt cho biết: Từ ngày thịt lợn tăng giá thì tôi bán hàng khó khăn hơn. Tôi chỉ dám tăng từ từ, không dám tăng nhanh, bởi nếu tăng nhanh thì khách sẽ không ăn. Nếu cứ tình trạng này thì việc kinh doanh của gia đình sẽ bị lỗ vốn.

Tết đã cận kề, hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sớm có những giải pháp cân đối lượng cung - cầu, giám sát chặt chẽ dịch bệnh không để tái dịch, hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi tiếp tục tái đàn... nhằm ổn định lại thị trường.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày