Chủ nhật, 24/11/2024, 13:47[GMT+7]

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão CONSON để ứng phó kịp thời

Thứ 4, 08/09/2021 | 15:48:01
686 lượt xem
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão CONSON để có phương án ứng phó đảm bảo phù hợp nhất với tình hình thực tế; thông tin cho người dân biết diễn biến của cơn bão để điều chỉnh các hoạt động trên biển đảm bảo an toàn.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai (Ảnh: NH)

Sáng 8/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và 15 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định để bàn về các giải pháp ứng phó với bão CONSON và mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 8/9, vị trí tâm bão CONSON ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 121,7 độ Kinh Đông, trên khu vực miền trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 790km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm ngày 9/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giât cấp 12; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độrủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông: cấp 3.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, với đợt mưa ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ vừa qua khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, cao điểm trong ngày và đêm nay (8/9), kéo dài đến hết ngày mai (9/9). Lưu ý khu vực Bắc bộ có nơi mưa to, rất to với lượng mưa từ 70-120mm, có nơi trên 150mm; khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục có mưa từ 150-250mm, có nơi trên 300mm;  cảnh báo nguy cơ cao sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng tại khu vực trũng thấp, các khu đô thị.

Về cơn bão CONSON, nhận định đêm 8/9, bão sẽ vượt qua Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5. Hiện nay, đang có rất nhiều phương án dự báo về hướng đi của cơn bão, tuy nhiên, theo ông Khiêm, phương án đang được hướng đến nhiều nhất đó là bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ di chuyển 20km/h, hướng về phía Vịnh Bắc bộ, và đi vào giữa Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Về cường độ của bão, có phương án cho rằng bão đạt mạnh nhất ở cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng có phương án cho rằng khi đi về gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão sẽ có khả năng suy yếu dần.

“Với hướng di chuyển như vậy, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương cần lưu ý khu vực vùng biển, cơn bão này sẽ gây gió mạnh trên Bắc biển Đông từ ngày 9-11/9, do vậy, tàu thuyền cần được lưu ý tránh trú an toàn” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Về cường độ mưa, hiện nay còn 4-5 ngày để tiếp tục tính toán, do đó, sẽ  có những cập nhật tiếp theo trong các bản tin. Tuy nhiên, ông Khiêm cũng cho biết, với kịch bản xấu nhất, nếu bão di chuyển theo hướng hiện nay, đi vào khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng, nếu đi vào đất liền, lượng mưa có thể lên tới 200-300mm.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay đã sẵn sàng lực lượng để ứng phó với cơn bão với dự kiến hơn 500 nghìn bộ đội và dân quân tự vệ, hơn 2.000 trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó với bão CONSON. Đại diện của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương phải kiểm đếm các tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo đến các tàu thuyền và người dân trên vùng biển chịu ảnh hưởng của bão biết thông tin về cơn bão, đồng thời, có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trên các đảo ven bờ. Trên đất liền, các địa phương cần sẵn sàng các phương án để ứng phó bởi mưa lớn sẽ gây rất nhiều thiệt hại cho người dân.

Một vấn đề được quan tâm tại cuộc họp đó là công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình ứng phó với cơn bão và mưa lũ. Đại diện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã ban hành công văn về chủ động ứng phó với thiên tai mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch COVID-19, đề nghị các Sở Y tế từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến bão, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị rà soát lại các phương án đã xây dựng để cập nhật theo điều kiện thực tế để ứng phó tình huống kịp thời; ứng phó với mưa lũ và không để gián đoạn việc chăm sóc cho người bệnh, bảo vệ các cơ sơ y tế tại khu vực ảnh hưởng mưa bão,  xây dựng phương án bảo đảm an toàn cơ sở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tập trung bệnh nhân COVID-19,…Bộ Y tế dự kiến sẽ có công điện để hướng dẫn cho các địa phương chi tiết về vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh ứng phó với bão, mưa lũ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, một tuần vừa qua, tại nhiều khu vực Bắc bộ đã có mưa lớn, có những nơi trên 200mm, đất đã bão hòa, vì vậy nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Ông Hoài đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão, cung cấp kịp thời, chính xác đối với diễn biến của cơn bão để Ban Chỉ đạo, các bộ ngành địa phương ứng phó, đảm bảo phù hợp nhất với tình hình thực tế.

Về vấn đề phòng chống dịch bệnh trong các hoạt động ứng phó với thiên tai, ông Hoài cho biết, sẽ có công văn gửi sang Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế. Hiện nay, Ban chỉ đạo đã phối hợp cùng với UNICEF đã có những hướng dẫn tương đối chi tiết về vấn đề này, các địa phương có thể tham khảo lại để nắm rõ hơn các vấn đề cần xử lý.

Trên tuyến biển, Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, các địa phương cần thông tin cho người dân biết diễn biến của cơn bão để người dân điều chỉnh các hoạt động trên biển đảm bảo an toàn.

Theo ông Hoài, hiện nay, chúng ta đã bắt đầu thông tin và kiểm đếm tàu thuyền, tuy nhiên, ông Hoài cũng đề nghị lực lượng Bộ đội biên phòng sẽ có những trao đổi để sáng 9/9 sẽ có những số liệu chi tiết bởi đây là cơn bão được dự báo khi đi qua Philippines vẫn là cấp 11. Trong đêm nay (8/9), nếu diễn biến bão phức tạp, đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng bắn pháo hiệu cho bà con để cảnh báo kịp thời, có hướng di chuyển đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực ven bờ, cần có sự chỉ đạo điều hành để làm sao phù hợp trong việc neo đậu tàu thuyền và cho sơ tán dân tại các lồng bè, tại các khu vực có dịch COVID-19 những vẫn đảm bảo an toàn. Về vấn đề này, các địa phương cần xây dựng kịch bản cụ thể và gửi về cho Ban Chỉ đạo.

Bên cạnh đó, ông Hoài cho rằng, tình hình mưa lũ lớn có thể xảy ra, do đó, các địa phương cần có chỉ đạo chặt tỉa cành cây, bảo vệ công trình hạ tầng; các nhà dân phải chằng chống chuẩn bị sẵn sàng trong mùa mưa bão. Đồng thời, đề nghị EVN sẵn sàng ngay các phương án bởi thông thường sau mỗi đợt thiên tai từ 1-2 ngày đã khắc phục được hệ thống lưới điện, tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh cần có kịch bản cụ thể hơn, bố trí lực lượng ở các khu vực địa phương để đảm bảo khôi phục hệ thống điện khi có sự cố.

Ngoài ra, yêu cầu toàn bộ hệ thống tưới tiêu các công trình phải sẵn sàng kích hoạt. Đồng thời, các địa phương lưu ý để đảm bảo cho sản xuất cây vụ Đông, nếu không chúng ta sẽ gặp khó khăn trong sản xuất, thiếu sản phẩm nông nghiệp để cung cấp do dịp Tết.

Các địa phương cần sẵn sàng phương án khi có lũ xảy ra. Đồng thời, cần đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, với các hồ chứa đã đầy nước, cần có trực ban và báo cáo kịp thời khi xả lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày