Thứ 2, 25/11/2024, 00:53[GMT+7]

Sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ mới

Thứ 2, 25/10/2021 | 14:51:02
1,160 lượt xem
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Trần Quang Hoài nhấn mạnh, hiện nay, đất đã bão hòa nước, do vậy, cần kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: BT)

Sáng 25/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm bàn các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ

Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Cảnh báo, trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-5,0m, biển động rất mạnh.

Cũng theo ông Lâm, đây là cơn bão di chuyển nhanh và suy yếu nhanh, mưa do bão cũng kết thúc nhanh, dự kiến trong ngày 28/10 sẽ kết thúc mưa. Dự báo, mưa trọng tâm từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với lượng mưa phổ biến từ 100-300m. Sau đó, mưa sẽ dịch dần lên phía Bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa từ ngày 27-30/10, từ 200-350mm, có nơi trên 400mm. Ông Lâm cũng nhấn mạnh ngập lụt tại Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn là vấn đề cần lưu tâm. Đồng thời, cảnh báo sạt lở, lũ quét ở Trung và Nam Trung bộ.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, hiện đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện/261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận,…đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn (Quảng Nam 779 hộ/2.535 khẩu; Quảng Ngãi 1.370 hộ/4.541khẩu). Chủ yếu là di dời xen ghép.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi thông tin, kịp thời về diễn biến của cơn bão. Do đây là công tác liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, điều hành sản xuất trên biển và đất liền.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng cường thông tin trên đài duyên hải để bà con biết vị trí nguy hiểm để trú tránh kịp thời. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản căn cứ tình hình thức tiễn để thông tin cho bà con. Lực lượng biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu để không chỉ cảnh báo cho tàu thuyền trên biển mà còn ở ven bờ để nâng cao ý thức phòng chống bão của bà con.

Ở trên đất liền, không chỉ chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua mà còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sắp tới, do đó, ông Hoài đề nghị cần đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực ngập lụt. Ngoài ra, kiểm soát hệ thống giao thông, không chỉ ở quốc lộ mà còn ở các tuyến tỉnh lộ và huyện lộ. Về vấn đề này, cần có sự tham mưu để ngành giao thông có công điện chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần phối hợp để hướng dẫn và phân luồng giao thông.

Ông Hoài nhấn mạnh, hiện nay, đất đã bão hòa nước, do vậy, cần kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán. Ông Hoài cũng đề nghị dừng tất cả các công trình đang thi công, nhất là việc thi công các nhà máy thủy điện, điện gió,…,chỉ trừ các bộ phận đang sửa chữa, khắc phục sạt lở đất ở ngành giao thông.

Ngoài ra, ông Hoài yêu cầu với các hồ thủy điện, phải theo dõi chặt chẽ, đề nghị Bộ Công Thương vận hành đúng quy trình. Khi vận hành xả lũ phải có thông tin kịp thời cho hạ du để bà con sơ tán kịp thời. Kiểm tra hệ thống thông tin ở hạ du của những hồ chứa lớn do Bộ Công Thương và EVN quản lý. Đây là vấn đề cần tổng rà soát lại,.../.

Theo dangcongsan.vn


.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày