Thứ 2, 25/11/2024, 06:31[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo đảm hệ thống đê, kè trong mùa mưa bão

Thứ 2, 06/06/2022 | 08:24:19
1,692 lượt xem
Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè trong mùa mưa bão năm 2022, huyện Thái Thụy đã tăng cường rà soát, xây dựng các công trình đê, kè, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Thi công dự án xử lý nạo vét và gia cố mái bờ sông N2, huyện Thái Thụy.

Tuyến kè Thái Phúc, đoạn K46+520 đến K46+650 và đoạn từ K47+200 đến K48+000, thuộc địa phận xã Thái Phúc có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cho tuyến đê sông Trà Lý. Do đây là đoạn đê trực diện với sông Trà Lý có độ dốc mái đê, sông lớn, nhiều vực xoáy sâu vào sát chân đê chính; dòng chủ lưu chảy xiết và có xu hướng áp sát mái kè, mái đê nên đã gây sạt lở mái kè, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê sông Trà Lý. Để khắc phục tình trạng sạt lở tuyến kè này, năm 2021 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ, bãi sông Trà Lý, đoạn từ K46+520 đến K46+650 và đoạn từ K47+200 đến K48+000 (Thái Phúc) với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. 

Thi công kè chống sạt lở bờ, bãi sông Trà Lý, đoạn từ K46+520 đến K46+650 và đoạn từ K47+200 đến K48+000 ( xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy).

Ông Bùi Thế Dân, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy cho biết: Dự án được khởi công cuối năm 2021, đơn vị trúng thầu xây lắp là liên danh Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Nam Minh Phát và Công ty TNHH Hoàng Đại Phát, thời gian thi công 360 ngày. Nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, thời gian qua, Ban đã tích cực giám sát, đôn đốc nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm an toàn, chất lượng công trình. Đến cuối tháng 5/2022 công trình đã hoàn thành khối lượng xây lắp, vượt tiến độ 5 tháng so với hợp đồng, góp phần giữ ổn định và an toàn cho đê sông Trà Lý, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngoài dự án trên, năm 2021, bằng nguồn vốn trung ương và tỉnh, trên địa bàn huyện Thái Thụy tiếp tục thực hiện các dự án với tổng mức đầu tư hơn 365 tỷ đồng để tu bổ, xây dựng công trình đê điều, thủy lợi, trong đó có các hạng mục công trình được đầu tư lớn như: xử lý cấp bách cống Hệ tại K16+150 đê hữu Hóa và nắn tuyến đê theo cống (Thụy Ninh), kinh phí hơn 20,5 tỷ đồng; xây mới cống 3 xã tại K3+000 đê cửa sông hữu Hóa, tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng; nâng cấp, hoàn thiện mặt cắt đê hữu Hóa đoạn từ 16+000 đến 19+700 (Thụy Ninh), kinh phí 14 tỷ đồng... Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện đầu tư tu bổ, nâng cấp, sửa chữa 21 hạng mục công trình với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện các hạng mục: xử lý cấp bách kè Thiên Kiều thuộc đê cửa sông tả Trà Lý, đoạn từ K3+040 đến K4+000 với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng; dự án hạ tầng chống biến đổi khí hậu, xây dựng kè, làm tường chắn nước dâng, chắn sóng và đường đỉnh kè từ khu I đến khu V thị trấn Diêm Điền, cứng hóa mặt đê Mai Diêm, xây mới cống Mai Diêm, cống Láng Quai, tổng mức đầu tư hơn 261 tỷ đồng; xử lý nạo vét và gia cố sông N2, tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng...

Nhờ có sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và tỉnh, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện Thái Thụy đến nay đã được đầu tư nâng cấp khá cơ bản, qua đó phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai. Toàn huyện hiện có  87,3km đê thuộc địa bàn của 20 xã, thị trấn, trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông và 31,1km đê biển, 28 kè lát mái với chiều dài gần 41km và 67 cống dưới đê. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện ven biển, hàng năm ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão nên quá trình chống chọi với thiên tai, bão, lũ đã khiến một số công trình đê điều trên địa bàn nhanh bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bất lợi khi mưa, bão. Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan có kế hoạch, bố trí nguồn vốn để xử lý khẩn cấp một số tuyến kè, mặt đê trên địa bàn huyện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Trong thời gian chờ tỉnh đầu tư, huyện đã chủ động lập phương án xử lý các trọng điểm xung yếu tại những vị trí có các công trình đê, kè, cống quan trọng đang xuống cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong phương án xử lý đã giao cho các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê tại các trọng điểm xung yếu. Qua công tác kiểm tra của các cụm phòng, chống thiên tai, đến nay các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện đúng khối lượng, chất lượng và tập kết vào vị trí theo chỉ tiêu được giao.


Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày