Thứ 3, 26/11/2024, 01:51[GMT+7]

Bão số 7 ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam

Thứ 3, 01/11/2022 | 12:09:56
1,063 lượt xem
Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây, Bắc Biển Đông, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ ngày 1/11, vị trí tâm bão số 7, cách khu vực quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tới, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây, khu vực Bắc Biển Đông, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-12, giật cấp 14; biển động dữ dội. Vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh.

Vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 6-8m, vùng gần tâm bão 9-11m.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngư dân và các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam.

Bên cạnh đó, ngư dân và các thuyền viên cần chú ý khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão trên biển phải luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão một khoảng tối thiểu từ 350-400 km - khoảng 200 hải lý.

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão mà lọt vào vùng gió bão, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão.../.

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày