Thứ 7, 23/11/2024, 20:39[GMT+7]

Khẩn trương hoàn thiện các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai

Thứ 4, 29/05/2024 | 21:02:31
818 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có 18 công trình thủy lợi, đê điều đã và đang triển khai thi công, trong đó 15 công trình đã được nghiệm thu hoàn thành. Nhằm bảo đảm tiến độ, đưa công trình vào phục vụ phòng, chống thiên tai theo đúng kế hoạch, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thiện các công trình trước mùa mưa bão.

Công trình xây dựng trạm bơm chống ngập Mai Diêm đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai năm 2024.

Theo ghi nhận tại công trường xây dựng trạm bơm chống ngập Mai Diêm tại K4+916 đê cửa sông tả Diêm Hộ, huyện Thái Thụy, các nhà thầu thi công đang tập trung cao độ nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ. Công trình do Công ty Cổ phần Green i-Park làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng có 2 hạng mục chính là xây mới trạm bơm bao gồm 4 tổ máy, trong đó có 1 tổ máy dự phòng; xây dựng cống xả qua đê có khẩu độ 2,5 x 3m. Công trình hoàn thành sẽ góp phần chủ động tiêu thoát nước cho khu công nghiệp Liên Hà Thái và khu dân cư hiện có khi xảy ra mưa kéo dài tại thời điểm thủy triều dâng cao. Được khởi công từ tháng 2/2024, theo kế hoạch công trình sẽ hoàn thành trước tháng 9/2024. 

Ông Phạm Xuân Nguyên, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết: Được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án, Công ty xác định đây là công trình quan trọng, cần bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ. Với khối lượng công việc rất lớn, thời gian thi công gấp rút, vì thế ngay sau khi khởi công chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đến nay công trình đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2024, dự kiến sẽ hoàn thành 100% khối lượng vào trung tuần tháng 6, vượt tiến độ hơn 2 tháng. 

Tại huyện Tiền Hải, dự án xử lý cấp bách công trình cống Nam Cường tại K16+500 đê biển 5, địa phận xã Nam Cường cũng đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, dự án được triển khai thi công từ tháng 11/2023, đến ngày 20/5/2024 đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, đáp ứng công tác phòng, chống lụt, bão, đồng thời ổn định đời sống của người dân, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án. 

Ông Nguyễn Trọng Hạp, chỉ huy trưởng công trình, Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phong cho biết: Hiện nay, các hạng mục chính của công trình như thân cống chính, tường cánh phía trước, sau, cánh cống, lắp đặt hệ thống thiết bị máy đóng mở, gia cố mái đê, đắp đất hoàn thiện mặt cắt đê... đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị thi công đang tập trung, phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện mặt đê đồng thời triển khai phương án hoành triệt cống cũ, đổ bê tông mặt đê bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. 

Ông Trần Đức Thọ, Phó Trưởng phòng Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đến nay, cơ bản các công trình do Ban làm chủ đầu tư đã hoàn thành đúng kế hoạch, sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Từ khi triển khai các dự án, để bảo đảm an toàn công trình đê điều khi mùa mưa bão đến, đơn vị tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thành dứt điểm từng hạng mục, các điểm xung yếu. Cùng với đó, yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa bão trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thi công chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ tới các huyện, thành phố và thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Tiến hành kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống ở từng tuyến đê. Hiện toàn tỉnh có 37 trọng điểm xung yếu, trong đó có 3 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, 34 trọng điểm xung yếu cấp huyện. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố và các ngành liên quan lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đối với các công trình đê điều đang được tu bổ, nâng cấp, Sở đã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão. Căn cứ diễn biến, chất lượng các cống dưới đê, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện kiểm tra các cống đã hoành triệt dưới đê, xét thấy không an toàn phải hoành triệt lại; kiểm tra các cửa khẩu, băng két qua đê, chuẩn bị sẵn đất dự trữ, bao tải... Các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai phù hợp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân; chủ động triển khai phương châm “4 tại chỗ”.

Thi công kè lát mái đê tại công trình xây mới cống Nam Cường (Tiền Hải).

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày