Thứ 4, 27/11/2024, 15:29[GMT+7]

Đông Hưng: Chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ 2, 24/06/2024 | 21:49:09
2,505 lượt xem
Mặc dù không phải là huyện ven biển nhưng lại có nhiều sông lớn chạy qua, vì vậy huyện Đông Hưng thường bị ảnh hưởng, chịu thiệt hại do mưa bão, lũ. Thực hiện chủ đề năm 2024 “Hành động sớm - chủ động trước thiên tai”, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn xây dựng, triển khai đồng bộ phương án PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cống Đồng Bàn, xã Trọng Quan (Đông Hưng) được đầu tư nâng cấp bảo đảm điều tiết nước kịp thời, giảm thiệt hại khi có mưa bão, lũ xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã căn cứ vào kết quả rà soát, kiểm tra hiện trạng đê, kè, cống để xác định trọng điểm PCTT trong mùa mưa bão xử lý kịp thời. Đông Hưng có 23,5km đê, trên đê có 11 kè lát mái hộ bờ, 9 cống dưới đê, 23 điếm gác nước; có 9,8km mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông, hầu hết các điếm gác nước chất lượng còn tốt. 

Ông Đào Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện cho biết: Sau khi rà soát tất cả đoạn đê, kè, cống xung yếu, Hạt đã tham mưu cho huyện lập phương án xử lý kịp thời. Huyện tổ chức tu bổ kè Hoa Nam dài gần 380m, kè Liên Hoa dài 300m, xây mới cống Đồng Bàn, sửa chữa, nâng cấp cống Hậu Thượng, hiện còn 5 điểm xung yếu đang xây dựng phương án bảo vệ. Tuy nhiên, trên tuyến đê tả Trà Lý còn tồn tại một số công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, bãi vật liệu ngoài sông gây cản trở việc thoát lũ. Mặc dù Hạt Quản lý đê điều huyện thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng hoạt động song hầu hết các vi phạm cũ, tồn tại lâu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vừa qua, huyện đã ban hành chỉ thị, công văn về tăng cường ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, quản lý bãi sông trên địa bàn, Hạt Quản lý đê điều huyện phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát, xử lý kịp thời hầu hết các công trình vi phạm mới, như xây công trình trong hành lang bảo vệ đê ở xã Đông Quan; thu dỡ, di chuyển 20 cây cột điện ở chân đê xã Hồng Giang; bỏ cẩu chất tải vật liệu qua đê của một số bến bãi. 

300m kè Liên Hoa, xã Liên Hoa (Đông Hưng) xung yếu đã được quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp. 

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cũng tập trung bố trí lực lượng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phục vụ PCTT và TKCN. Trong đó, 7.500 người tham gia canh coi, cừ sách, xung kích, tiếp vận, thông tin liên lạc, bơi lội, y tế cứu thương. Tất cả các lực lượng này đều được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật hộ đê, hoạt động ứng phó các loại hình thiên tai, kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu người bị thương... Toàn huyện chuẩn bị 38.000 cây tre, 76.000 bó rào, 7.254 đèn pin, 190.000 bao tải, đất dự phòng 2.800m2, cát vàng, đá 270m3, thuyền, mảng 27 cái, trên 2.600 dao, cuốc, xẻng, 76 ô tô, 38 máy phát điện, hàng nghìn áo phao... 

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình phối hợp với các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét kết hợp với đắp bờ vùng, đường giao thông nông thôn và giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy trên toàn hệ thống để bảo đảm tưới, tiêu chủ động cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp.

 Ông Phạm Sơn Hải, Chủ tịch UBND xã Trọng Quan cho biết: Xã có 2km đê chạy qua, 2 điếm gác nước, vì vậy công tác PCTT và TKCN luôn được cấp ủy, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ quan trọng, xã đã xây dựng, triển khai phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng phó với các kịch bản từng tình huống thiên tai; chuẩn bị 1.000 cây tre, luồng, 500m2 bạt, 2.000 bao tải, 2 xe tải, 1 máy phát điện; chuẩn bị nhà bạt dã chiến, hợp đồng với 2 bãi vật liệu cung cấp đá, cát khi cần. Bố trí 60 người bảo đảm sức khỏe tham gia lực lượng xung kích PCTT và TKCN. Tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ nguy cơ và tầm quan trọng của công tác PCTT và TKCN, không để bị bất ngờ khi có thiên tai xảy ra. 

Theo ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có đê tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, ứng trực đê điều theo quy định; thường xuyên tuần tra phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu bảo đảm an toàn cho đê, kè, cống; bố trí lực lượng, chuẩn bị đủ số lượng, chất lượng, chủng loại về vật tư, phương tiện dự trữ; tổ chức ký cam kết, kiểm tra, giám sát hoạt động của các bến phà, đò ngang; thông báo và tổ chức di chuyển người, vật nuôi, tài sản của các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh ở vùng bãi vào nơi an toàn và thực hiện đúng quy định đóng mở cống dưới đê khi có mưa bão, lũ... Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai bằng nhiều hình thức qua tập huấn, hội nghị, trên hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử của huyện, zalo nhóm... Vận động mỗi hộ gia đình chủ động chuẩn bị 2 bao tải, 1 bó đuốc, 1 đèn pin sẵn sàng PCTT tại nhà, cộng đồng dân cư và địa phương. 

Cán bộ Hạt Quản lý đê điều huyện kiểm tra vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. 

Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày