Thứ 4, 27/11/2024, 17:40[GMT+7]

Tháng 7, khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền

Thứ 2, 01/07/2024 | 22:53:59
1,090 lượt xem
Tháng 7 năm nay, khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền nước ta.

Ảnh minh họa.

Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 7/2024, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, trong tháng 7/2024, khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền nước ta.

Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C, có nơi cao so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tại khu vực Bắc Bộ, nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/7, sau đó suy giảm và có xu hướng gia tăng trở lại trong khoảng 20 ngày cuối tháng 7. Khu vực Trung Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng.

Về tình hình mưa, bà Trần Thị Chúc cho rằng, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có nhiều ngày mưa rào và dông; trong đó, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2 - 4 ngày. Trên phạm vi cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá.

Trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên, bà Trần Thị Chúc khuyến cáo, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ thời kỳ này tiếp tục xuất hiện nắng nóng nhiều; mưa chỉ xuất hiện cục bộ dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao.

Còn theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tại, hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính. Dự báo từ tháng 7 - 9/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65 - 75%.

Từ nay đến tháng 9/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5 - 7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6 - 7 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn); đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Từ tháng 7 - 9, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Tại khu vực Bắc Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Tại Trung Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7 - 8.

Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng còn kéo dài đến tháng 8/2024.

Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Để chủ động ứng phó, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, sóng lớn...

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Không khí lạnh hoạt động mạnh từ tháng 10

Nhận định từ tháng 10 đến tháng 12, TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, thời kỳ này dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 80 - 90%. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4 - 6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 4 - 5 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn); đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh dần từ khoảng tháng 10. Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Ngoài ra, mưa lớn, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7 - 9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10 - 12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định như vậy, trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc bộ, Bắc Trung Bộ, Tây nguyên. Với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm. Mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu tương tự với mùa mưa bão năm 2020.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày