Thứ 5, 02/01/2025, 00:21[GMT+7]

Năm 2024 nắng nóng, bão mạnh bất thường

Chủ nhật, 29/12/2024 | 20:47:07
856 lượt xem
Năm 2024 khép lại với 10 cơn bão ở Biển Đông, trong đó bão Yagi đổ bộ mạnh cấp 12-14 gây hàng loạt thiệt hại về người và tài sản, nắng nóng Đông Nam Bộ kéo dài.

Hàng ngàn ha lúa ở Sóc Trăng bị chết khô vì không còn nước ngọt tưới.

El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và kéo dài đến đầu năm 2024 gây tác động tới cả nước. Từ tháng 1 tới 5, nhiệt độ hầu khắp ba miền cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-1,5 độ C. Riêng tháng 4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nền nhiệt cao hơn 3,1-3,6 độ C. 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử.

Tại Nam Bộ, số ngày nắng nóng diện rộng cao hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Đông Nam Bộ có 90-107 ngày nắng nóng, trong khi Tây Nam Bộ 40-60 ngày (trừ vùng ven biển), theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.

Nhiệt độ cao nhất 39-40 độ C xuất hiện trên hầu khắp Đông Nam Bộ trong tháng 4. Trạm quan trắc Biên Hòa ở Đồng Nai, Phước Long ở Bình Phước ghi nhận nhiệt độ vượt giá trị lịch sử năm 1998, lần lượt là 40 và 38,3 độ C. Dù mùa khô kết thúc vào tháng 4, nắng nóng vẫn kéo dài đến tháng 7. Hầu hết khu vực có nhiệt độ trung bình tháng cao hơn trung bình nhiều năm 0,8-1,5 độ C.

"Nhiệt độ ban đêm cũng rất cao so với trung bình nên thời tiết rất nóng và oi bức cả vào ban đêm. Kể cả bước sang mùa mưa, tháng 5-6 vẫn rất nóng với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Nam Bộ có một năm nắng nóng gay gắt ít gặp trong lịch sử", ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho hay.

Cả khu vực gần như không mưa, nắng nóng kéo dài từ tháng 1 đến 4. Tổng lượng mưa 4 tháng đầu năm hụt chuẩn 100% trên phần lớn khu vực gây khô hạn, nhiễm mặn, ruộng đồng nứt nẻ. "Theo như chuỗi số liệu từ năm 1984 đến nay, điều này rất hiếm xuất hiện", ông Quyết nói.

Mùa mưa ở Nam Bộ cũng bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm 7-20 ngày, tùy khu vực. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều điểm mưa bất thường với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh Vĩnh Long, Long An và Cần Thơ ghi nhận lượng mưa tháng 10 vượt trung bình nhiều năm 57-90%.

"Ngay cả trong tháng 8 - thời điểm thường giảm mưa - vẫn xuất hiện các trận mưa lớn cục bộ trên 50 mm trong 24 giờ, điều không thường thấy trong các mùa mưa trước đây", ông Quyết cho hay.

Mưa bão dồn dập

Ở miền Bắc, tháng 6 chưa phải cao điểm mưa lũ nhưng đã có điểm mưa 200-600 mm, cao hơn 40-80% so với trung bình nhiều năm, riêng ven biển nhiều nơi cao hơn 100%. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận 13 kỷ lục mưa ngày và tổng lượng mưa tháng được xác lập. Tại Quảng Hà (Quảng Ninh), tổng lượng mưa tháng 6 là 1.100 mm, vượt kỷ lục năm 1991 hơn 120 mm.

Mưa lũ, sạt lở gia tăng trong tháng 7. Tổng lượng mưa trong tháng ở nam Sơn La, Hòa Bình, Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Trung Bộ cao hơn 80-120% so với trung bình nhiều năm. Mưa nhiều ngày gây sạt lở đất ở Hà Giang, đỉnh điểm là vụ sạt lở trên quốc lộ 34 đoạn qua huyện Bắc Mê làm 11 người trên hai xe tử vong, 4 người bị thương, 9 người kịp chạy thoát.

Hiện trường sạt lở vùi xe 16 chỗ trên quốc lộ 34 huyện Bắc Mê. Ảnh: Bộ chỉ huy Quân Sự tỉnh Hà Giang

Hiện trường sạt lở vùi xe 16 chỗ trên quốc lộ 34 huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bộ chỉ huy Quân Sự tỉnh Hà Giang

Cao điểm trong tháng 7 là khi bão Prapiroon ảnh hưởng miền Bắc gây mưa hơn 10 ngày, làm 11 người chết, 5 người mất tích tại TP Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang. Tới cuối tháng, rãnh áp thấp lại gây mưa toàn miền Bắc, thêm 8 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất ở Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Tại Hà Nội, từ ngày 23/7 nước tràn qua đê hữu Bùi khiến 2.500 nhà dân ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập suốt 10 ngày, buộc phải sơ tán. Đây là đợt ngập thứ tư trong 15 năm qua ở Hà Nội, sau các đợt tháng 10-11/2008, tháng 10/2017, tháng 7/2018.

Tới tháng 9, cơn bão Yagi mạnh nhất 30 năm trên Biển Đông, 70 năm trên đất liền, thời gian lưu bão trên 12 giờ đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu dân miền Bắc và một phần miền Trung. Bão đổ bộ Quảng Ninh trưa 7/9, gây gió tại Bãi Cháy cấp 14, giật cấp 17, điểm sâu trong đất liền như Hải Dương ghi nhận cấp gió 11, Hà Nội cấp 10. Cây cối đổ rạp, nhà cửa tan hoang.

5 ngày sau bão miền Bắc chìm trong mưa lớn, phổ biến 250-450 mm, có nơi trên 550 mm. 83/84 trạm đo cho thấy lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm, như tại Sa Pa (Lào Cai) cao hơn 440%, Định Hóa (Thái Nguyên) cao hơn 677%, Lục Yên (Yên Bái) hơn 461%.

TP Hạ Long tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy

TP Hạ Long tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy

Mưa kéo dài kích hoạt hàng nghìn điểm sạt lở toàn miền Bắc. Trong 318 người chết, 26 người mất tích do bão Yagi thì phần lớn do sạt lở đất. Lào Cai thiệt hại lớn nhất với 132 người chết, 19 người mất tích, riêng điểm sạt lở ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã cướp đi 60 sinh mạng, làm 7 người mất tích.

Lũ lưu vực các sông Thao, Lô, Thương, Gâm, Thái Bình, Lục Nam, Hoàng Long đều vượt báo động ba, có nơi vượt trên 3-4 m khiến 20/25 tỉnh thành miền Bắc ngập lụt, trên 68.000 ngôi nhà chìm trong biển nước, nhiều nơi sâu hơn 2 m.

Thiệt hại kinh tế do bão Yagi lên tới hơn 83.700 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách nhà nước của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 (89.200 tỷ đồng) và bằng 0,62% GDP năm 2023, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của hàng triệu người.

Thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sau bão Yagi Ảnh: Ngọc Thành

Một phần thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sau bão Yagi gần như bị san bằng. Ảnh: Ngọc Thành

Sau Yagi, Biển Đông còn xuất hiện thêm 7 cơn bão, trong đó có siêu bão Manyi ở phía đông Philippines, khi vào Biển Đông vẫn mạnh cấp 13. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, số cơn bão năm nay ít hơn trung bình nhiều năm 4 cơn, nhưng mức độ, cấp độ, diễn biến lại khó lường và nghiêm trọng hơn. Siêu bão nhiều do sự biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng cho các cơn bão.

Ông Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, nói thêm biến đổi khí hậu đã làm giảm độ đứt gió thẳng đứng (sự thay đổi về tốc độ hoặc hướng gió theo độ cao) ở dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Độ đứt gió thẳng đứng càng lớn thì khả năng làm giảm cường độ của bão càng cao.

2025 - thời tiết khó lường

Ông Trương Bá Kiên nhận định nửa đầu năm 2025 La Nina sẽ chi phối làm lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Mưa lớn tập trung tại miền Trung và Tây Nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long mưa sẽ tăng, giúp giảm nhẹ tình trạng xâm nhập mặn so với các năm trước.

"Nhiệt độ tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Điều này làm gia tăng khả năng xuất hiện một số đợt rét muộn ở miền Bắc", ông Kiên đánh giá.

Nửa cuối năm khi La Nina suy yếu và ENSO (chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương) chuyển về trạng thái trung tính, ông Kiên cho rằng thời tiết và thiên tai trở nên khó lường hơn. Tổng lượng mưa cả nước vẫn ở mức xấp xỉ trung bình, nhưng phân bố không đồng đều. Một số nơi ghi nhận mưa giảm, trong khi các khu vực khác có thể xuất hiện mưa cường độ lớn bất thường.

Chuyên gia này nhận định nửa cuối năm khả năng nhiệt độ trung bình tăng rõ rệt dẫn tới với nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có thể chịu tác động mạnh của nắng nóng kết hợp xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Miền Trung và Tây Nguyên có thể chịu tác động nặng nề bởi hạn hán vào cuối năm, gây thiếu hụt nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Về bão, chuyên gia này cho rằng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới có thể giảm nhưng một số cơn bão lại có khả năng mạnh và gây thiệt hại nặng nề hơn.

Theo vnexpress.net


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày