Thứ 7, 30/11/2024, 06:48[GMT+7]

Phòng, chống dịch ở cơ sở dịch vụ thiết yếu

Thứ 2, 13/04/2020 | 10:07:56
1,766 lượt xem
Trong thời gian cách ly toàn xã hội (từ ngày 1 - 15/4) theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện, nước... vẫn hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người dân. Để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng, người bán hàng đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhân viên bán hàng siêu thị Vinmart+ đeo kính bảo hộ chắn giọt bắn, khẩu trang và găng tay khi bán hàng.

Khi phần lớn những người lao động ở nhiều ngành nghề khác đã làm việc online thì những nhân viên siêu thị hay người bán hàng lương thực, thực phẩm vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với hàng trăm lượt người mỗi ngày. Để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng trong mùa dịch, các siêu thị đã triển khai các biện pháp như phân luồng khách hàng đứng xa 2m, lập điểm bán hàng lưu động để tránh tập trung đông người... Đặc biệt, nhiều cơ sở đã trang bị đồng phục mới cho toàn bộ nhân viên. Trong đó, kính bảo hộ chắn giọt bắn, khẩu trang, găng tay được coi là 3 vật dụng hỗ trợ quan trọng nhất. Ngoài ra, lối vào các cửa hàng, chợ dân sinh cũng trang bị dung dịch rửa tay để khách hàng sát khuẩn trước và sau khi mua sắm.


Theo quan sát của phóng viên, tại nhiều điểm bán hàng của siêu thị Vinmart+, nhân viên quầy giao dịch đã được trang bị kính bảo hộ chắn giọt bắn. Chị Hoàng Thị Nhung, nhân viên siêu thị Vinmart+ chia sẻ: Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, chúng tôi đã được tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách... Đến nay, chúng tôi được trang bị thêm găng tay và kính bảo hộ chắn giọt bắn khi bán hàng. Điều này khiến chúng tôi yên tâm hơn.


Không chỉ tại các siêu thị, một số cửa hàng thực phẩm, tạp hóa tư nhân, dù không được phát đồng phục, không có người hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn tuân thủ để bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Chị Nguyễn Thị Nhâm, cửa hàng thực phẩm trên phố Lý Bôn cho biết: Từ khi Thái Bình nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch lên mức cao nhất, trong thời gian bán hàng, chúng tôi thường xuyên sử dụng găng tay, khẩu trang y tế, kính bảo hộ chắn giọt bắn; trang bị dung dịch sát khuẩn tay để bảo đảm sức khỏe cho bản thân cũng như khách hàng.


Khảo sát tại một số chợ dân sinh như chợ Đề Thám, chợ Kỳ Bá, chợ Quang Trung hay chợ Đậu, ban quản lý các chợ đã tăng cường công tác kiểm soát ra vào chợ, kiên quyết không cho người không đeo khẩu trang vào chợ. Bên cạnh đó, thường xuyên nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn bởi chợ đông người mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chị Bùi Thị Thanh, tiểu thương tại chợ Đậu (phường Trần Lãm) chia sẻ: Những ngày này, người dân đi chợ mua hàng ít hơn, tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, chúng tôi vẫn thường xuyên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi bán hàng. Tôi cũng tự pha nước ở nhà mang đi uống, vừa vệ sinh vừa an toàn. Chị Vũ Hoàng Yến, người thường xuyên đi chợ Đậu chia sẻ: Mặc dù Thái Bình chưa có người nhiễm Covid-19 nhưng tôi cũng hạn chế đi chợ. Một tuần chỉ đi 2 - 3 lần để mua thực phẩm cần thiết. Tôi thấy công tác phòng, chống dịch tại chợ Đậu khá tốt, người bán và người mua đều thực hiện tốt các quy định như đeo khẩu trang, ngay lối vào chợ có để nước rửa tay khô để mọi người sát khuẩn.


Theo chủ nhiều cửa hàng thực phẩm, số khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng đã giảm mạnh, thay vào đó khách đặt hàng online và yêu cầu giao hàng tận nhà. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay.

Đặng Anh