Chủ nhật, 24/11/2024, 06:16[GMT+7]

Thực hiện BHYT toàn dân - Có đi đúng lộ trình?

Thứ 2, 30/07/2012 | 10:59:40
1,523 lượt xem
Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2009. Trong Luật quy định đến năm 2014, thực hiện BHYT với tất cả các đối tượng trong xã hội. Như vậy, đến năm 2014 sẽ chấm dứt hình thức BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện bao phủ BHYT mới đạt 63% dân số.

Xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thực trạng tình hình 
Theo số liệu đã được công bố của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên cả nước đạt 63%. Tại Thái Bình với hơn 1,1 triệu người đang có thẻ BHYT, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT cũng tương đương so với tỷ lệ bình quân trên cả nước, đạt 63% dân số. Trong số hơn 1,1 triệu người dân đang có thẻ BHYT, số BHYT tự nguyện là 200 nghìn thẻ (chiếm gần 20% tổng số người tham gia BHYT và hơn 10% dân số).

Theo Luật BHYT quy định, đối tượng thực hiện BHYT phân 25 nhóm, trong đó có 21 nhóm đối tượng đang thuộc diện thực hiện BHYT bắt buộc, bao gồm: người lao động (cán bộ, công chức; người làm việc theo hợp đồng...); người lao động đã nghỉ hưu, mất sức; các đối tượng chính sách; học sinh, sinh viên; trẻ em dưới 6 tuổi... được đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT từ Nhà nước hoặc đơn vị sử dụng lao động. Cũng theo quy định của Luật BHYT, còn 4 đối tượng là người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; thân nhân người lao động; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; các đối tượng khác chưa thuộc diện thực hiện BHYT bắt buộc. Theo Luật BHYT, lộ trình thực hiện BHYT đối với các đối tượng này quy định như sau: năm 2012 thực hiện BHYT với đối tượng người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp; năm 2014 sẽ tiếp tục triển khai đến các đối tượng còn lại, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.

Những năm qua, với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em; hỗ trợ mức đóng BHYT cho nhiều đối tượng, số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, diện bao phủ BHYT đã mở rộng. Cùng với đó, số thu BHYT tăng, quỹ BHYT hiện nay bảo đảm 85% tổng kinh phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, với 63% dân số tham gia BHYT, như vậy, tỷ lệ dân số chưa tham gia BHYT hiện nay vẫn còn 37% và đây cũng chính là những người thuộc 4 nhóm đối tượng kể trên.

Thực hiện BHYT toàn dân, khó khăn nhiều bề 
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mục tiêu triển khai BHYT đến 100% đối tượng vào năm 2014 là việc khó có thể hoàn thành. Sự khó khăn này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Mặc dù đã triển khai 20 năm song nếu so với các quốc gia trên thế giới, chính sách BHYT Việt Nam vẫn là một chính sách non trẻ. Chính vì vậy, việc hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT trong nhân dân cũng như các tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Rất nhiều người vẫn cho rằng BHYT là việc của Nhà nước, nhân dân thích thì tham gia, không thích thì thôi. Trong 37% dân số chưa tham gia BHYT hiện nay đang nằm trong 4 nhóm đối tượng sẽ thực hiện BHYT bắt buộc thời gian tới. Đây sẽ là những đối tượng khó vận động thực hiện BHYT bắt buộc bởi phần lớn đối tượng này là những người không có nguồn thu nhập ổn định hoặc không thuộc sự quản lý của tổ chức xã hội nào.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, ngay cả việc triển khai BHYT đến đối tượng có thuộc tổ chức xã hội đã là việc khó. Tỷ lệ tham gia BHYT chỉ đạt 100% đối với các đối tượng được tặng thẻ BHYT và các đối tượng thuộc diện BHYT bắt buộc được đóng BHYT theo hình thức đơn vị trừ lương trực tiếp. Còn lại với các đối tượng đóng BHYT theo hình thức đối tượng nộp tiền mua thẻ (kể cả đã có sự hỗ trợ mức đóng từ Nhà nước), tỷ lệ tham gia khó đạt 100%. Điển hình như việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên hay người cận nghèo. Tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên hiện nay đạt 98%, riêng với người cận nghèo đạt chưa đến 30%.

Bên cạnh những khó khăn về vận động đối tượng tham gia BHYT, những chính sách, sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện BHYT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ cụ thể: theo Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành, bắt đầu từ 1/1/2012 sẽ triển khai BHYT đến đối tượng người làm nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp trong đó có hỗ trợ 30% mức đóng cho hộ gia đình có mức sống trung bình. Song do chưa có những hướng dẫn cụ thể từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định hộ gia đình có mức sống trung bình nên mặc dù đã sang quý III/2012, việc triển khai này vẫn chưa được thực hiện. Vấn đề cấp thẻ BHYT cho người nghèo, mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều năm song một số tồn tại như để sót người nghèo không được cấp thẻ, cấp thẻ chậm thời gian vẫn chưa được rút kinh nghiệm khắc phục. Cùng với cấp thẻ BHYT cho người nghèo, việc triển khai BHYT cho người cận nghèo kết quả thực hiện còn rất hạn chế.

Cùng với đó, những tồn tại (thủ tục hành chính phiền hà, dịch vụ khám chữa bệnh không thuận lợi...) trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT nhiều năm qua cũng làm nảy sinh tư tưởng ngại tham gia BHYT. Có thể đánh giá việc triển khai BHYT đến 4 nhóm đối tượng còn lại sẽ xảy ra hai trạng thái đối nghịch: những người muốn tham gia BHYT thì không có khả năng, những người có khả năng thì ngại không muốn tham gia BHYT. 

Thay lời kết
BHYT là một chính sách nhân đạo, cao cả, điều này đã được khẳng định. Chỉ có phát triển BHYT toàn dân chúng ta mới xây dựng được quỹ BHYT bền vững, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, trong tình hình tăng giá dịch vụ y tế như hiện nay, việc tham gia BHYT càng trở nên cần thiết đối với mỗi người, mỗi nhà.

Tuy nhiên, để việc thực hiện BHYT toàn dân đi đúng lộ trình theo Luật Bảo hiểm y tế, chúng ta cần những giải pháp đồng bộ và phù hợp hơn. Theo Luật BHYT, ngày 1/1/2014 sẽ triển khai BHYT đến 100% nhóm đối tượng, sẽ chấm dứt hình thức BHYT tự nguyện. Như vậy, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ này. Liệu việc thực hiện BHYT toàn dân có đi đúng lộ trình, câu hỏi vẫn còn phía trước!

Trần Thu Hương

  • Từ khóa