Thứ 7, 30/11/2024, 12:50[GMT+7]

Đông Hưng rà soát kỹ, chi trả hỗ trợ kịp thời cho người dân

Thứ 6, 22/05/2020 | 09:18:25
3,021 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, huyện Đông Hưng đã tổ chức rà soát kỹ, chi trả tiền hỗ trợ kịp thời, không để sót đối tượng.

Cán bộ xã Đông Hợp (Đông Hưng) nắm tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại cơ sở may Loan Hỉ.

Cầm số tiền được hỗ trợ hộ nghèo 750.000 đồng của 3 tháng trên tay, chị Nguyễn Thị Lan, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu xúc động chia sẻ: Bản thân tôi ốm đau, lại chăm sóc mẹ già 90 tuổi, trước dịch Covid-19 cuộc sống đã khó khăn giờ còn khó khăn hơn. Khi có dịch, việc làm thêm không còn, thu nhập giảm, chi tiêu thiếu trước hụt sau. Tôi rất mừng khi nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống trước mắt. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ cho bà con trong giai đoạn khó khăn này.

Với tinh thần “Cứu trợ như cứu hỏa”, xã Phong Châu đã thành lập 4 tổ rà soát ở 4 thôn do trưởng thôn làm tổ trưởng tới từng nhà, rà từng đối tượng để lập danh sách theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Việc triển khai nghiêm túc, danh sách những người được hưởng hỗ trợ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thông báo trên hệ thống truyền thanh. Ngoài ra, cán bộ xã còn tới từng nhà nhắc nhở, dặn dò ngày, địa điểm và giấy tờ cần thiết mang theo khi đến nhận tiền. Ông Cao Đình Hoa, công chức lao động - thương binh và xã hội xã Phong Châu cho biết: Đến nay, xã đã hoàn thành việc chi trả gói hỗ trợ của Chính phủ cho trên 600 người thuộc 3 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 890 triệu đồng. Quá trình chi trả an toàn, nhanh chóng, đúng đối tượng.

Đến nay, huyện Đông Hưng đã hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho trên 8.000 người có công với cách mạng với số tiền trên 12 tỷ đồng. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang huy động cán bộ chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 23,5 tỷ đồng. Số tiền mỗi người được nhận tuy không nhiều nhưng là niềm động viên lớn giúp họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện còn hàng chục nghìn người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ... cũng đang mong chờ được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 họ phải nghỉ việc dài ngày không lương, công ty tạm dừng hoạt động, bán hàng không người mua... Chị Nguyễn Thị Nhinh, công nhân Công ty TNHH May mặc V.J.One (xã Hồng Bạch) chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty không xuất được hàng nên hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc. Không có thu nhập, cuộc sống gia đình tôi gặp khó khăn. Chúng tôi mong sớm được nhận hỗ trợ để trang trải cuộc sống. Ông Lee Ung Gyu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc V.J.One cho biết: Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các đối tác ngừng nhập hàng, từ ngày 1/4/2020, Công ty phải cho 1.338 công nhân nghỉ việc đến hết ngày 30/4. Tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã kịp thời triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có người lao động, doanh nghiệp. Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi cấp có thẩm quyền thẩm định.

Không chỉ có doanh nghiệp lớn, người lao động, hộ buôn bán nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng, đang rất mong được hưởng gói hỗ trợ. Bà Quách Thị Vân, chủ cửa hàng tạp hóa thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu cho biết: Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng tôi bán được khoảng 2 triệu đồng tiền hàng, khi có dịch số lượng hàng bán bị giảm nhiều, không những thế một số mặt hàng nhất là bánh kẹo không bán được hết hạn sử dụng phải bỏ đi. Trong khi đó, mỗi tháng tôi phải đóng 300.000 đồng tiền thuế. Tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho những người buôn bán nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch như tôi.

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã  hội huyện Đông Hưng cho biết: Tiêu chí để xác định đối tượng người lao động phi nông nghiệp và nhóm công việc, ngành nghề cụ thể của người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, khó khăn cho việc rà soát tại cơ sở. Một số doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách hỗ trợ, chưa nắm chắc nội dung, quy trình thực hiện các công việc từ cơ sở, doanh nghiệp, nhất là từ cấp xã. Để tạo thuận lợi cho các địa phương, cấp trên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về rà soát, lập danh sách đối tượng thuộc các nhóm còn lại (nhóm I, III, IV). Hiện Phòng Lao động - Thương binh và Xã  hội huyện đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm đối tượng còn lại kịp thời xác lập hồ sơ để tiền hỗ trợ sớm đến với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thu Hiền