Thứ 2, 25/11/2024, 11:30[GMT+7]

Rừng ngập mặt ở Thái Thụy "Bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển

Thứ 7, 21/08/2010 | 08:13:03
2,373 lượt xem
Sau nhiều năm triển khai thực hiện dự án trồng rừng phòng ngừa thảm hoạ, đến nay những cánh rừng ngập mặn ven biển ở Thái Thụy đã trở thành “bức tường xanh” vững chắc tạo điều kiện cho nhiều loài hải sản, động vật và thực vật biển sinh sống, không chỉ góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn cho các cư dân ven biển.

Đoàn thanh niên huyện Thái Thụy tham gia trồng rừng ngập mặt tại xã Thụy Hải

Không phải tự nhiên Thái Thụy có được những cánh rừng ngập mặn xanh tốt như bây giờ, mà đó là kết quả của cả một quá trình tạo lập rất gian nan. Các cán bộ  Ban quản lý dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh cũng như cán bộ tại các xã ven biển đều khẳng định như vậy. Ban đầu, việc triển khai dự án ở 5 xã: Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường gặp rất nhiều khó khăn.

 

Thậm chí, một số cán bộ địa phương còn không tin tưởng, nghĩ rằng chuyện trồng rừng trên cạn còn khó nói gì đến việc đem cây xuống biển, khác nào “dã tràng xe cát”; có khi rừng trồng rồi, chỉ một đợt thuỷ triều cuốn sạch mọi thứ; còn tỷ lệ cây sống lên xanh tốt được từ 15 đến 20% là coi như đã thành công.

 

Hơn thế, nhận thức của người dân lúc đó về tầm quan trọng của rừng ngập mặn còn rất hạn chế. Do kinh tế còn khó khăn, hàng ngày, ngư dân ven biển vẫn kết hợp việc đánh bắt cá với việc chặt các cây bần, cây vẹt về làm củi đun.

 

Họ cứ chọn những cây to, tán rộng nhất đốn xuống để khô một thời gian sau đó đem về. Trước thực tế đó, Ban quản lý dự án rừng ngập mặn của tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã ven biển tổ chức tuyên truyền, vận động bà con về tác dụng to lớn của rừng ngập mặn đối với sự phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường.

 

Lựa chọn những hộ gia đình có tinh thần trách nhiệm cao, tổ chức tập huấn về kỹ thuật chọn giống, làm bầu cây để tham gia vào đội trồng rừng. Cứ kiên trì như vậy, đến khi những tán rừng trồng từ năm 1994 đến 1996 có hiệu quả, lúc bấy giờ người dân quan tâm tới rừng. Bằng nguồn vốn của các chương trình dự án, mỗi năm Thái Thụy đã trồng được hàng trăm ha rừng ngập mặn làm cho diện tích ngày càng được mở rộng.

 

Chỉ trong 5 năm qua, diện tích trồng mới, trồng xen, trồng dặm đạt toàn huyện 2.465,2 ha, đưa tổng số diện tích rừng trên địa bàn lên 4.064 ha (trong khi 2001 diện tích mới đạt 1.586 ha). Nơi rộng nhất khoảng 2km như ở Thụy Trường, thấp nhất cũng đạt 0, 8km như ở Thụy Xuân. Độ cao cây trung bình từ 2, 5 đến 3 m.

 

Các loại cây sú vẹt, đước, trang... mọc ken dày, tầng tán cao đã có tác dụng to lớn trong việc giảm cường độ của sóng. Toàn bộ tuyến đê biển  chịu tác động trực tiếp của sóng biển đã được bao bọc bằng đai rừng vững chắc; hơn 3.358 ha đầm nuôi trồng thuỷ sản cũng được bảo đảm an toàn. Công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân về rừng ngập mặn được thực hiện tốt nên hiện tượng chặt phá rừng rất hạn chế.

 

Vì vậy,  năm 2005, cơn bão số 7 gây vỡ đê ở nhiều tỉnh nhưng tuyến đê biển của Thái Thụy vẫn được bảo vệ an toàn do có giải rừng chắn sóng bao bọc. Hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển, tốc độ bồi lắng phù sa tăng nhanh, bãi bồi vì thế ngày càng được mở rộng và nâng cao nên các loài phù du, sinh vật biển sinh sôi, tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài hải sản tôm, cua, ngao, cá,  nhuyễn thể, đây là nguồn hải sản lớn và là nguồn thu nhập quan trọng đối người ngư dân các xã ven biển. Theo ước tính, giá trị thu từ rừng ngập mặn ở Thái Thụy năm 2010 đạt khoảng 3, 5 tỷ đồng.

 

Chúng tôi về xã Thụy Hải, gặp đội trưởng đội bảo vệ rừng Nguyễn Công Tùng, anh cho biết: những năm qua địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo rất chặt chẽ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ. Đội bảo vệ rừng kết hợp với ban công an xã hàng ngày thay nhau đi tuần tra tất cả các cánh rừng, phát hiện và ngăn chặn những sai phạm phá rừng và dùng kích điện đánh bắt hải sản huỷ hoại môi trường sinh thái.

 

Vì vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, ý thức bảo vệ rừng của người dân rất tốt, không xảy ra hiện tượng chặt phá rừng, năm 2009, xã xử lý 2 trường hợp đến chặt phá rừng nhưng là người nơi khác đến. Sang Thụy Xuân, chúng tôi gặp ông Nguyễn Nam Trung, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Xuân, đơn vị trực tiếp tổ chức xã viên tham gia trồng rừng của địa phương từ nhiều năm nay. ông cho biết, Thụy Xuân hiện có khoảng 700 ha rừng phòng hộ ven biển chủ yếu là bần, vẹt, tán cây cao, đan kín vào nhau, có những chỗ người không chen chân vào được.

 

Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được địa phương đặc biệt coi trọng. Năm 2008, toàn xã trồng mới được 40 ha, năm 2009 được 60 ha, năm nay dự kiến trồng khoảng 40 ha, đến nay đã thực hiện được 20 ha.

 

Toàn bộ diện tích rừng cũng được đội bảo vệ rừng và công an xã trông coi. ông cũng cho biết thêm “ Có những hôm biển động, lên trên tầng 2 nhà mình nhìn ra biển, những đợt sóng liên tiếp xô vào bờ cảm giác nhấn chìm toàn bộ dân cư  ven biển, vậy mà khi gặp “vành đai xanh” bảo vệ nó bị chặn đứng lại. Khi gặp lúc bão to, sóng lớn nếu không có hệ thống rừng phòng hộ thì hệ thống đê biển của Thụy Xuân cũng không có nghĩa lý gì”.

 

Rừng ngập mặn ở tỉnh ta những năm qua được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao và đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những lợi ích và hiệu quả của rừng ngập mặn đem lại thì quá rõ, song trước những diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, mực nước biển dâng lên ngày càng cao... thì vấn đề đạt ra với Thái Thụy nói riêng, tỉnh ta nói chung  là cần phải tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ rừng, mở rộng nhiều diện tích trồng rừng mới, không phá rừng nuôi tôm tự phát để phải bị trả giá.

 

Và thực tế, ý thức bảo vệ rừng của người dân tuy đã được nâng cao nhưng vì lợi ích kinh tế, rừng vẫn có thể bị chặt phá, môi trường biển vẫn có thể bị huỷ hoại nếu các cấp, các ngành, các địa phương không tổ chức trông coi, giám sát chặt chẽ.

 

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa