Thứ 7, 30/11/2024, 14:33[GMT+7]

Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

Thứ 5, 11/06/2020 | 08:20:30
2,952 lượt xem
Khắc ghi lời Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Mỗi việc làm và hành động của họ đã góp phần truyền lửa, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, từ đó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Công ty TNHH HNP (Vũ Thư) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Vượt qua định kiến phụ nữ thường gắn với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, chị Trần Thị Phượng, đảng viên người Công giáo, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; vượt khó sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị Phượng tâm sự: Là đảng viên, tôi luôn nghĩ mình phải nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua. 

Với suy nghĩ ấy, hơn 20 năm làm công tác xã hội ở địa phương, chị Phượng luôn trăn trở, tìm học, rồi truyền nhiều nghề như: đan cói, móc sợi, làm mây tre đan, đan làn nhựa, bóc hạt điều gia công... để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em ở nông thôn. Từ năm 2010, chị mở xưởng may quần áo gia công tạo việc làm giúp thanh niên khuyết tật có thể nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, các công ty, xí nghiệp may ngày càng nhiều, xưởng may của gia đình chị gặp khó khăn, khó cạnh tranh nên đến giữa năm 2017 chị bàn bạc với gia đình chuyển hướng đầu tư, kinh doanh, mở một xưởng gia công giầy, dép. Thời gian đầu hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, tay nghề công nhân chưa cao, chưa đáp ứng được công của người lao động... 6 tháng hoạt động, chị đã phải bù lỗ trên 100 triệu đồng. Quyết không đầu hàng, chị từng bước khắc phục khó khăn bằng cách thuê công nhân kỹ thuật tay nghề cao về dạy nghề; tích cực quảng bá, mở rộng đầu ra cho sản phẩm... Nhờ vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã đi vào ổn định; hàng năm tạo việc làm cho gần 20 lao động, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình chị không những phát triển ổn định mà còn mở rộng thêm nhà xưởng, mua thêm máy móc sản xuất với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn nhận bao tiêu sản phẩm giầy, dép của 5 cơ sở khác của xã Hồng Lý góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Thi đua không chỉ thúc đẩy người lao động hăng say sản xuất, phát huy sáng tạo mà còn huy động được nguồn lực, sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia xây dựng NTM góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, tạo tiền đề vững chắc để địa phương tự tin xây dựng xã NTM kiểu mẫu và phấn đấu cán đích năm 2020. 

Ông Đặng Xuân Khoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả, MTTQ xã đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hưởng ứng với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Việc tuyên truyền được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi khi có cơ hội: tuyên truyền từ trong nhà ra khu dân cư, từ xã tới thôn, từ người đang sống ở quê đến người sinh sống, lập nghiệp xa quê... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân trong xã cùng con em xa quê đều tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công; gần 307.000m2 đất để làm giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi; đào đắp hơn 100.000m3 đất; đóng góp hàng tỷ đồng tiền mặt; hiến hơn 1.800m2 đất thổ cư, tự nguyện tháo dỡ tường bao, cổng dậu, công trình phụ để mở rộng đường; làm trên 150 tuyến đường bê tông các loại. Không chỉ người dân địa phương mà con em làm ăn xa quê cũng tích cực ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, xã đã thu hút được nguồn vốn xã hội hóa gần 30 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp 4 nhà văn hóa thôn; xây mới 8 phòng học Trường Tiểu học khu B; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã; lắp trên 200 bóng điện chiếu sáng công cộng, 71 mắt camera giám sát; xây dựng và khôi phục một số công trình tâm linh; trồng hàng nghìn cây xanh... Với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân, có thể nói, đích đến xã NTM kiểu mẫu của Vũ Lạc không còn xa.

Diện mạo nông thôn mới xã Đông Lâm (Tiền Hải). 

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến kinh tế và đời sống của nhân dân nhưng các phong trào thi đua yêu nước được tỉnh phát động, triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, bình quân 4 năm 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10,4%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2019 giảm còn 2,66%, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.

Trong thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục đạt hiệu quả, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phong trào thi đua, đồng thời gắn công tác thi đua với công tác khen thưởng. Khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tăng tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua hiện có, phát động thêm các phong trào thi đua mới, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đào Quyên