Thứ 4, 20/11/2024, 19:26[GMT+7]

Các cơ sở y tế ở Thái Thụy cần đầu tư cả "lượng và chất"

Thứ 3, 14/08/2012 | 10:52:23
2,238 lượt xem
Các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế ở Thái Thụy đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực tại những đơn vị này còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, cần đầu tư cả về “lượng và chất”.

Khám chữa bệnh cho người dân tại trạm y tế xã ở Thái Thụy

Năm 2011, xã Thái Học đầu tư xây dựng Trạm y tế 2 tầng với 12 phòng chức năng, mua sắm một số trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I. Từ khi có Trạm y tế mới, công tác khám, điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao, duy trì tốt việc phòng chống dịch nên xã không có dịch lớn xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, Trạm đã  tổ chức khám cho gần 2.000 lượt người, điều trị cho 838 bệnh nhân, thực hiện trực cấp cứu 24/24giờ/ngày, không để tai biến xảy ra trong điều trị bệnh. Là địa phương làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, tuy nhiên, hiện nay nếu xét theo bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 thì Thái Học chưa đạt chuẩn vì: Trạm chưa có bác sĩ, thiếu nhiều trang thiết bị và khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu vệ sinh môi trường, tỷ lệ người dân tham gia BHYT…

Năm 2007, xã Thụy Hà đã đầu tư xây dựng Trạm y tế có 11 phòng chức năng và các công trình phụ trợ phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhưng sau 5 năm đi vào hoạt động, cơ sở vật chất của Trạm đã xuống cấp nghiêm trọng do chất lượng công trình kém, trang thiết bị cũ, để han gỉ. Do đặc thù là xã gần bệnh viện đa khoa, nhân dân đến đây khám, chữa bệnh rất ít nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân còn rất hạn chế. Thụy Hà cũng là một trong 7 xã của Thái Thụy chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn I. Nhưng để xây dựng Trạm y tế mới nguồn kinh phí của địa phương rất khó khăn. Và một câu hỏi đặt ra: nếu có trạm y tế mới liệu các cán bộ y tế có phát huy hết tác dụng của cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, thu hút đông  người dân đến khám, chữa bệnh hay không?

Thái Thụy hiện có 48 trạm y tế xã, thị trấn, 2 bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế huyện. Những năm qua, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế được đầu tư song vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Về cơ sở vật chất, toàn huyện hiện mới có 41 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn I, trong đó có 7 trạm được đầu tư xây mới hoàn toàn, 4 trạm xây mới nhưng chưa hoàn chỉnh, số còn lại là tu bổ, nâng cấp. 7 trạm còn lại chưa đạt chuẩn đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu thốn trang thiết bị và đều nằm ở những xã khó khăn.

Vừa qua, huyện đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn II (2011 - 2020) và  nếu xét theo bộ tiêu chí mới này thì chỉ có 7 xã đạt chuẩn (chiếm 14,6%). Với 2 bệnh viện đa khoa, dù đã được đầu tư nhiều hạng mục công trình, trang thiết bị y tế (Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy quy mô 200 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh 110 giường bệnh) nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thường xuyên trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm từ 140 đến 145%. Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh không có nhà chờ cho bệnh nhân. Chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh của tuyến y tế cơ sở ở Thái Thụy còn hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Tại các khoa, phòng của bệnh viện, bệnh nhân còn phải nằm ghép, người dân chưa hài lòng về thái độ giao tiếp, ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế với người bệnh.

Nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn ở cả tuyến huyện và tuyến xã ở Thái Thụy cũng thiếu nghiêm trọng, nhất là đội ngũ bác sĩ, chưa đáp ứng nhiệm vụ, đòi hỏi ngày càng cao của ngành y tế. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy hiện có 29 bác sĩ/140 cán bộ nhân viên (thiếu 12 bác sĩ), Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh 19 bác sĩ/104 cán bộ nhân viên (thiếu 19 bác sĩ), trạm y tế 48 xã, thị trấn có 33 bác sĩ đa khoa ở 28 xã. Số bác sĩ của huyện tính trên đầu người dân đạt tỷ lệ rất thấp: chỉ có 4 bác sĩ/10.000 dân trong khi toàn tỉnh là 7 bác sĩ/10.000 dân, cộng thêm tay nghề chuyên môn của một số cán bộ y tế còn hạn chế nên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh BHYT còn rườm rà, việc chuyển thẻ BHYT của bệnh nhân khi chuyển tuyến điều trị còn nhiều khó khăn, phức tạp. Nước thải, rác thải của các trạm y tế hiện nay chưa được xử lý triệt để, một số nơi gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Từ thực tế trên cho thấy: việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đối với các cơ sở y tế ở Thái Thụy rất bức thiết. Vì vậy, huyện và các xã cần phải khẩn trương rà soát, đánh giá và lập kế hoạch, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế xuống cấp, thiếu một số hạng mục công trình, nhất là 7 trạm y tế xã chưa đạt chuẩn giai đoạn I, đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.  Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ về làm việc tại huyện đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho cán bộ y tế tại chỗ.

Chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia BHYT tự nguyện, thực hiện tốt Luật BHYT tạo điều kiện cho mọi công dân có nhu cầu được đáp ứng dịch vụ khám, chữa bệnh. Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, bản thân các bệnh viện, Trung tâm Y tế cần tiết kiệm nguồn kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Làm tốt công tác quản lý ngành, yêu cầu các cán bộ, y, bác sĩ tích cực rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa