Chủ nhật, 24/11/2024, 06:50[GMT+7]

BHYT học sinh Chưa bằng lòng với kết quả đạt được

Thứ 4, 22/08/2012 | 06:58:16
1,259 lượt xem
Năm học 2011 – 2012 là năm thứ hai thực hiện BHYT học sinh theo Luật BHYT, tuy còn có nhiều khó khăn, song toàn tỉnh đã có 100% số trường và 99,58% số học sinh tham gia BHYT, hoàn thành kế hoạch của Ban chỉ đạo đề ra từ đầu năm học, đưa sự nghiệp BHYT nói chung và BHYT học sinh nói riêng tiếp tục phát triển.

Trường Tiểu học Kim Đồng (Thành phố) - Đơn vị nhiều năm làm tốt công tác BHYT học sinh. Ảnh: Thành Tâm

Năm học 2012 – 2013 đã sắp bắt đầu, các cơ sở giáo dục, trường học đang triển khai nhiệm vụ năm học mới, đồng thời với triển khai công tác BHYT học sinh. Theo nhận định của ngành BHXH và các nhà trường thì công tác BHYT học sinh phát triển chưa thật bền vững và nói thật khiêm tốn là: Chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được.

Đánh giá thật khách quan thì Thái Bình là một trong số ít các tỉnh của cả nước có thành tích cao trong công tác BHYT học sinh, nền nếp ấy được duy trì và giữ vững suốt nhiều năm qua. Năm học 2011 – 2012 có nhiều khó khăn nhưng vẫn là tỉnh đứng trong tốp đầu của cả nước trên lĩnh vực này. Điều đó khẳng định sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao của các thầy, cô giáo; sự đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh; vai trò tổ chức thực hiện của các nhà trường, các phòng GD-ĐT… dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Đến nay, hệ thống y tế trường học tại các nhà trường được củng cố mở rộng và tăng cường đi vào hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn. Từ tiền đóng BHYT học sinh và ngân sách hỗ trợ, quỹ BHYT đã để lại các nhà trường trong năm học vừa qua trên 8,8 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quan trọng giúp các nhà trường triển khai thực hiện tốt các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình y tế, tạo điều kiện để học sinh giữ gìn, nâng cao thể lực, sức khỏe để học tập tốt hơn. Quỹ BHYT đã bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh tham gia BHYT theo các quy định của Luật.

Năm học vừa qua, có hàng trăm nghìn lượt HSSV được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú tại các bệnh viện từ tuyến huyện đến các bệnh viện Trung ương, được quỹ BHYT trả thay toàn bộ viện phí. Trong đó, có hàng nghìn em mắc các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đã được các bệnh viện tận tình chăm sóc, cứu chữa với chi phí thuốc men hàng chục, hàng trăm triệu đồng, mang lại sức khỏe, sự sống, niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và nhiều gia đình học sinh.

Điển hình, những trường hợp điều trị, chi phí cao như: Phạm Tuấn Thụy, sinh năm 1998, trường THCS Phương-Cường-Xá (Đông Hưng) bị bệnh bạch cầu tủy, điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương 4 đợt, tổng chi phí BHXH đã thanh toán với bệnh viện là 132 triệu 477 nghìn đồng. Cũng bị bệnh như thế, em Lê Thái Hùng, học sinh trường THPT Trần Thị Dung điều trị hết 64 triệu 48 nghìn đồng. Em Đỗ Văn Quân (Trường Đại học Y Thái Bình) cũng bị bệnh bạch cầu tủy, chi phí hết 40 triệu 191 nghìn đồng. Học sinh Nguyễn Thành Chung (Thái Thụy) bị bệnh tim và thông vách nhĩ thấp… chi phí KCB là 45 triệu đồng. Em Đỗ Ngọc Anh, trường THCS Song Lãng (Vũ Thư) bị bệnh thiếu máu bất sản, chi phí: 45 triệu 383 nghìn đồng. Các em Nguyễn Đức Mạnh (THPT Nguyễn Du – Kiến Xương), Đoàn Kim Bình (THCS Quỳnh Nguyên – Quỳnh Phụ) chi phí KCB hết 41 đến 44 triệu đồng, đều được BHXH trả thay cho các bệnh viện. Ngoài ra, có 76 học sinh có mức chi phí KCB từ 10 triệu đồng trở lên.

Nhiều gia đình học sinh đã biểu thị lòng biết ơn về sự chăm lo của BHYT bằng câu nói cửa miệng: Nếu không có BHYT thì con tôi chắc không qua được. Họ rất yên tâm về mặt tài chính, khi con, em họ tham gia BHYT không may ốm đau, tai nạn, bệnh tật. Quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng góp phần tích cực làm giảm bớt khó khăn về tài chính giúp cho nhiều gia đình học sinh, sinh viên, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được điều trị khỏi bệnh, tiếp tục trở lại học tập và hòa nhập với cộng đồng. Mặt khác, thực hiện BHYT học sinh, con đường ngắn nhất, hiệu quả và cụ thể nhất để giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, sinh viên; trang bị kiến thức y học thường thức, phòng chống các bệnh học đường, tai tệ nạn xã hội. Hình thành trong các em ý thức trách nhiệm với cộng đồng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo thống kê của liên ngành Giáo dục và BHXH thì năm học 2011 – 2012 chi phí KCB ngoại trú là 21 tỷ 134 triệu đồng và nội trú là: 30 tỷ 905 triệu đồng. Rõ ràng đó là một con số rất lớn nếu không có sự chung tay, góp sức của trên một triệu học sinh thì số phận của những em bị bệnh hiểm nghèo sẽ ra sao và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ bấu víu vào đâu để chữa chạy cho con em mình?

Tuy nhiên, lợi ích của tham gia BHYT học sinh ai cũng hiểu và đều thấy tính ưu việt của nó. Nhưng nghĩ là một chuyện và làm lại là chuyện khác. Từ khi có Luật BHYT học sinh ra đời, không ít người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà trường cho rằng: chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện… nên vận động, tuyên truyền là chủ yếu, được đến đâu, hay đến đó. Do vậy, năm học 2011 – 2012 còn một số trường chưa bảo đảm 100% tham gia, có trường còn tụt, giảm hơn năm học trước. Ngành BHXH, như người đứng ở ngã ba đường: Nhân viên y tế chăm sóc không tốt, đều kêu đến BHYT. Cơ sở giáo dục không làm triệt để, tích cực làm giảm số người tham gia, ảnh hưởng đến sự an toàn của quỹ BHYT. Còn có một lý do nữa là: Khi chưa có Luật, BHYT đều trích một khoản kinh phí để các nhà trường hoạt động cho BHYT, nay không còn nên có nơi chẳng mấy “mặn mà” với vấn đề BHYT.

Vì lẽ ấy, không thể nhìn vào kết quả 99,58% học sinh và 100% các trường tham gia BHYT mà yên tâm. Vẫn cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn, tuyên truyền nhiều hơn nữa và đặc biệt là chưa thể bằng lòng với kết quả đạt được… để đưa công tác BHYT học sinh phát triển thật bền vững.

                              Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa