Chủ nhật, 24/11/2024, 01:31[GMT+7]

Công tác y tế trường học Cần được đẩy mạnh thực hiện

Thứ 5, 11/10/2012 | 14:31:33
1,005 lượt xem
Trước những khó khăn và thách thức của sức khỏe học đường và công tác y tế trường học, theo kế hoạch năm học 2012-2013, hai ngành Giáo dục đào tạo, Y tế sẽ đẩy mạnh phối hợp, tập trung thực hiện các nhiệm vụ: tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế tại trường học, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học các cấp, đề nghị các trường bố trí phòng sức khỏe trường học bảo đảm cho công tác cơ, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Học sinh - đối tượng cần được chăm sóc và giáo dục về sức khỏe thường xuyên. Ảnh: Thành Tâm

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh đã bùng phát tại trường học. Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác y tế trường học là vấn đề không thể xem nhẹ tại các trường học hiện nay.

Mạng lưới y tế trường học tại Thái Bình những năm gần đây đang tiếp tục được kiện toàn. Với 606 trường học toàn tỉnh, hiện nay 100% trường đã có cán bộ y tế hoặc giáo viên kiêm nhiệm làm công tác y tế trường học (trong đó có 2,1% số trường có cán bộ y tế có trình độ chuyên môn);  100% trường học có tủ thuốc phục vụ công tác sơ cấp cứu ban đầu; có 40,2% số trường có phòng chăm sóc sức khỏe riêng biệt; 29,2% trường học có phòng chăm sóc sức khỏe kết hợp. Mạng lưới ngày càng hoàn thiện, công tác y tế trường học đã đạt được một số kết quả quan trọng. Hàng năm, hai ngành y tế và giáo dục phối hợp triển khai khám sức khỏe cho học sinh vào đầu năm học. Các đợt truyền thông về xây dựng nếp sống vệ sinh, bảo vệ môi trường;  thanh niên, học sinh với phong trào phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh dịch ở trường học, phòng chống các tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích được tổ chức tại hệ thống các trường học đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về sức khỏe học đường.

Song song thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh, các đơn vị y tế đã phối hợp tốt với các nhà trường tổ chức chăm sóc sức khỏe học sinh ở nhiều nội dung như khám sức khỏe cho học sinh tiểu học, THCS, quản lý sức khỏe học sinh THPT. Ngoài các chương trình đã triển khai nhiều năm như nha học đường, mắt hột học đường, những năm gần đây, tại các huyện, thành phố còn phối hợp triển khai các chương trình mới như khám bướu cổ, tẩy giun cho học sinh... Năm học 2011-2012, kết quả kiểm tra về xây dựng nếp sống vệ sinh tại 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở cho thấy có 98,8% trường tiểu học, 98,2% các trường THCS đạt loại khá và tốt, có hơn 1% các trường đạt trung bình.

Chương trình chăm sóc răng miệng, chăm sóc các bệnh về mắt, khám bướu cổ được triển khai ở 100% các trường tiểu học, THCS trong tỉnh. Năm học qua đã có 98,9% học sinh tiểu học; 97,3% học sinh THCS được khám các bệnh về răng miệng, các bệnh về mắt. Có 100% các trường tiểu học khám tẩy giun tiểu học trong đó 100% học sinh tiểu học được tẩy giun miễn phí. Chương trình khám, quản lý sức khỏe học sinh được thực hiện nhiều năm qua đã đi vào nền nếp tại 100% các trường tiểu học, THCS và một số trường THPT, với tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS được khám sức khỏe đạt trên 98% hàng năm là một chương trình hết sức có ý nghĩa. Bởi qua việc đánh giá sức khỏe học sinh, các ngành chuyên môn đã có định hướng và kế hoạch triển khai công tác y tế trường học phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe và thể chất của học sinh phục vụ cho công việc học tập lâu dài.

Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe học đường cũng như công tác y tế trường học đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Qua các đợt khám, kiểm tra sức khỏe học sinh cho thấy một số bệnh học đường đang có dấu hiệu gia tăng Kết quả khám sức khỏe năm học 2011-2012 tại các trường học trong tỉnh, số học sinh các cấp đạt sức khỏe loại 1 chỉ đạt khoảng 70%, còn lại là sức khỏe loại 2 và loại 3; có tới hơn 40% học sinh tiểu học và 14% học sinh THCS mắc các bệnh về răng miệng và 1,71% học sinh tiểu học và 1,1% học sinh THCS mắc các bệnh về mắt.

Mặc dù số học sinh được phát hiện mắc các bệnh học đường có xu hướng tăng song vấn đề điều trị cho học sinh mắc bệnh còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 1-2% số học sinh mắc bệnh răng miệng được điều trị. Vấn đề về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và học tập như nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn, độ chiếu sáng, bụi... ở các  trường học chưa được quan tâm và triển khai thực hiện. Công tác đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế tại trường học chưa được quan tâm, thực hiện định kỳ, các vấn đề sơ cấp cứu ban đầu tại trường học còn nhiều hạn chế...

 

Cùng với các hoạt động triển khai thường xuyên như khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, tổ chức tốt công tác phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm như Cúm A, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, hai ngành sẽ phối hợp triển khai hoạt động khảo sát yếu tố vệ sinh tại trường học và xây dựng thí điểm mô hình "Trường học nâng cao sức khỏe ".

 

                                                                        Trần Thu Hương

  • Từ khóa