Thứ 2, 18/11/2024, 03:47[GMT+7]

Hội Phật giáo tỉnh Thái Bình Đoàn kết, thi đua yêu nước, thực hiện “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”

Thứ 3, 16/10/2012 | 15:25:52
1,894 lượt xem
5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Phật giáo Trung ương, sự tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh, tập thể Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh, Ban đại diện Phật giáo các huyện, thành phố cùng tăng ni, phật tử toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thực hiện phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo và tham gia công tác Phật sự với nhiều kết quả.

Hòa thượng Thích Thanh Dục tại Đại lễ Phật đản 2012.

Thái Bình là địa phương có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 826 ngôi chùa nằm rải rác ở 267 xã, phường, thị trấn. Hiện nay tổng số tăng ni toàn tỉnh có 508 vị, trong đó Tỷ khiêu tăng 52 vị, Tỷ khiêu ni 391 vị; Sa di ni tăng, Sa di ni  61 vị và 15 Hình đồng đang được các thầy Nghiệp sư dẫn dắt tu tập tại trụ xứ. Hiện toàn tỉnh có 173.000 tín đồ phật tử quy y Tam bảo. Đến nay, số chùa có tăng, ni trụ trì là 397 ngôi, có 121 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá, trong đó 19 chùa được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và 102 chùa được chứng nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đặc biệt, Thái Bình vinh dự có chùa Keo được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá đặc biệt của Quốc gia.

5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Phật giáo Trung ương, sự tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh, tập thể Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh, Ban đại diện Phật giáo các huyện, thành phố cùng tăng ni, phật tử toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thực hiện phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo và tham gia công tác Phật sự với nhiều kết quả.

Thực hiện hoạt động phật sự và chuyên ngành, hàng năm Ban Trị trị Phật giáo tỉnh đã triển khai công tác tổ chức để tăng ni về kiết hạ với số lượng đạt từ 87 – 90%. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 6 cơ sở trường hạ được phân vùng theo tuyến, bảo đảm thuận tiện giao thông và dần hoàn thiện về cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ, bảo đảm sức khoẻ và điều kiện học tập cho tăng ni. Trong các khoá an cư, Ban trị sự thường xuyên phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo của tỉnh, Uỷ ban MTTQ, Ban Tôn giáo, Công an tỉnh về các hạ trường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và đường lối đổi mới, phát triển kinh tế xã hội; an ninh trật tự, các phong trào thi đua của địa phương... giúp cho các tăng ni nâng cao kiến thức pháp luật, áp dụng vào đời sống tu hành.

Nhằm mục đích truyền trì mạng mạch Phật giáo và nâng cao chất lượng đội ngũ Tăng ni, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của các thầy nghiệp sư ở các trụ sứ, thống kê, phối kết hợp cùng các ngành chức năng tìm hiểu về lý lịch thân nhân; tổ chức kiểm tra khảo hạch thi tuyển để lựa chọn những người có đủ phẩm chất để đưa vào danh sách đăng đàn thụ giới. Kết quả nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh trao truyền giới phẩm cho 115 vị tăng ni sinh. Số tăng ni được thụ giới đến nay cơ bản bảo đảm được phẩm chất, tịnh tiến học tập, tu hành. Đồng thời Ban Trị sự chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giáo hội và trình độ tăng ni, quan tâm giúp đỡ tăng ni thi tuyển và theo học tại các trường đại học, cao đẳng nhằm nâng cao kiến thức văn hoá và Phật pháp.

Xác định hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua Ban Trị sự, các vị sư trụ trì cùng nhiều tăng ni với tinh thần cầu tiến và trách nhiệm đã cố gắng vươn lên học hỏi để truyền đạt giáo lý. Trong 5 năm, đã có 36 khoá tu được tổ chức thành công. Nhiều chùa duy trì các đạo tràng, khoá tu mùa hè cho thanh thiếu niên; tổ chức được nhiều buổi thuyết giảng thu hút hàng ngàn phật tử, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu, trái với chính tín phật pháp, điển hình như chùa Từ Xuyên (Thành phố), chùa Bụt Mọc (Thái Thuỵ), chùa Từ Vân (Vũ Thư)...

Thấm nhuần tư tưởng từ bi cứu khổ của đức Phật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng ni Phật giáo Thái Bình luôn thể hiện tấm lòng từ tâm của người con Phật, mọi lúc mọi nơi đều hăng hái cùng các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phát động của Uỷ ban MTTQ các cấp, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, uống nước nhớ nguồn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, ngày vì người nghèo, xoá nhà ở dột nát. Tổng số trong 5 năm, tăng ni Phật giáo Thái Bình đã tham gia công tác từ thiện xã hội với tổng số tiền 3.456.000.000 đồng; Tỉnh hội cũng như cá nhân tăng ni đóng góp xây 16 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng/nhà; tặng 2750 phần quà, mỗi suất từ 120.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, tăng ni phật tử trong tỉnh lại hăng hái kịp thời quyên góp hàng trăm tấn gạo, hàng hoá và nhiều phần quà, đến tận nơi thăm hỏi, ủng hộ nhân dân vùng thiên tai. Tiêu biểu của hoạt động này là tăng ni phật tử chùa Từ Xuyên, chùa Keo, chùa Linh ứng, chùa Bổng Điền, chùa Đồng Ngậu v.v...

Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng “chùa cảnh 4 gương mẫu”, toàn tỉnh có 2008 lượt chùa được công nhận là chùa cảnh bốn gương mẫu, trong đó có 211 chùa đạt liên tục 5 năm liền. 197 tăng ni được UBND tỉnh, UB MTTQ các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng chùa cảnh bốn gương mẫu. Cá nhân Hoà thượng Thích Thanh Dục được tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.  5 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 127 ngôi chùa được tổ chức xây dựng trùng tu từ nhỏ đến lớn với nhiều hạng mục công trình như xây dựng chùa, nhà tổ, bảo tháp tổ sư, tam quan, tháp chuông, điện thánh, tạc tượng, đúc chuông và các công trình hành lang phụ cận bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, nhân các ngày lễ lớn của Phật giáo, của đất nước, Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, nhiều đêm thơ ca, văn nghệ với nội dung phong phú, ca ngợi đạo pháp, quê hương, đất nước, đưa hoạt động văn hoá phật giáo khởi sắc, để lại dấu ấn tốt trong lòng dân chúng và phật tử, điển hình các chùa Thánh Long, Từ Xuyên, Quán Âm, chùa Keo v.v...

Để tiếp tục phát huy kết quả, khắc phục những khó khăn, tồn tại thực hiện tốt sự nghiệp hoàng dương chính pháp, từng bước xây dựng Giáo hội xứng đáng là tôn giáo có truyền thống yêu nước, là tổ chức thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhiệm kỳ tới, tăng ni Phật giáo trong tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hoà hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội. Ban Trị sự, Ban đại diện Hội Phật giáo các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương tập trung trí tuệ, công sức xây dựng tổ chức Giáo hội; vận động tăng ni phật tử hăng hái tham gia các mặt hoạt động Phật sự thông qua các chuyên ngành hoằng pháp, văn hoá. Khuyến khích tăng ni phật tử tham gia công tác xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hiến chương của Giáo hội, nội quy, quy chế hoạt động cụ thể thiết thực, đồng thời thực hiện tốt các hoạt động phật sự, hướng dẫn nam nữ phật tử thực hiện nếp sống mới, tích cực xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Kết quả các công tác Phật sự của Hội Phật giáo Thái Bình thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị trí của giới tăng ni trong đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Khẳng định được đường hướng hoạt động Phật sự theo phương châm hành động của Giáo hội là: “Đạo pháp - Dân  tộc – Chủ nghĩa xã hội”, phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Tạo điều kiện cho tăng ni phát huy được khả năng và tinh thần trách nhiệm của mình, góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. 

       Hoà thượng Thích Thanh Dục 
          ( Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thái Bình)

  • Từ khóa