Chủ nhật, 24/11/2024, 01:53[GMT+7]

Thành phố Thái Bình khi bão đi qua

Thứ 2, 29/10/2012 | 21:44:41
2,556 lượt xem
Đã từ khá lâu, người dân Thành phố Thái Bình mới phải đối phó với cơn bão có sức tàn phá lớn đến vậy. Gió mạnh kèm theo mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến phố, đổ nhiều cây xanh lâu năm, mất điện trên diện rộng, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của đa số người dân. Đặc biệt, bão đã làm 2 người thiệt mạng.

Cây xanh trên đường Lý Thường Kiệt bị bão quật đổ

Đi dọc các tuyến đường trong khu vực Thành phố, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là hình ảnh hàng ngàn cây xanh bị đổ gẫy; nhiều nhất là các phố Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, khu vực vườn hoa trung tâm…Một số cây cổ thụ mấy chục năm tuổi cũng không  chống đỡ nổi sức mạnh của cơn bão. Cây đổ khiến giao thông đi lại đầu giờ sáng rất khó khăn, nhất là với ô tô. Nhiều đoạn, cây đổ ngang đường khiến các phương tiện phải "leo" lên vỉa hè hoặc tràn sang tuyến ngược chiều để đi. Một số tuyến bị tắc hoàn toàn do có nhiều cây to bị ngã nằm chắn ngang đường như đường Trần Hưng Đạo, đoạn tiếp giáp với đường Lý Thường Kiệt. Cây đổ còn khiến nhiều cột điện, cột đèn chiếu sáng và cáp điện, cáp viễn thông cũng bị gẫy đổ theo.

Gió mạnh kèm theo mưa kéo dài đã khiến nhiều tuyến phố trọng điểm bị ngập lụt, nặng nhất là đoạn đầu cầu Bo, đường Lý Thường Kiệt- đoạn tiếp giáp với đường Lê Đại Hành; đường Trần Nhân Tông- đoạn gần chân cầu Thái Bình và gần trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; đường Lý Bôn- đoạn trước cửa Công ty Hoàng Hà…Nhiều đoạn nước ngập khá sâu, sát mép bó vỉa của đường. Nước ngập đúng lúc cao điểm đầu giờ sáng nên việc lưu thông gặp khó khăn, tốc độ xe rất chậm.

Bão mạnh cũng làm nhiều mái tôn, biển quảng cáo, mái vẩy bị xé nát, lật tung. Không chỉ các công trình của nhà dân bị tàn phá mà ngay cả các trụ sở lớn cũng bị ảnh hưởng như tấm biển lớn phía trước trụ sở Ngân hàng Ngoại thương, Bưu điện tỉnh, Khách sạn Việt- Đức, Trung tâm thương mại Victory…

Nước ngập khu vực bến xe khách Thái Bình

Về tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố, ngay từ đầu giờ sáng các tuyến xe buýt vẫn hoạt động bình thường nhưng rất khó đi đúng tuyến, một số lái xe đã phải tìm đường khác để về bến vì cây đổ làm tắc đường. Khu vực Bến xe khách vẫn hoạt động khá tấp nập nhưng toàn bộ sân và khu vực cổng ra vào đã bị chìm trong nước. Nhiều hành khách không muốn lội nước vào bến đi xe mà chọn đứng dọc các tuyến đường ven khu vực bến để đón xe khiến cho việc lưu thông khu vực cửa bến khá lộn xộn.

Mưa bão cũng khiến cho hầu hết các trường học từ mầm non đến THPT phải cho học sinh nghỉ học. Tại trường THPT Chuyên, nước đã ngập hết sân, gần tràn vào phòng làm việc của tầng 1. Khu vực Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, ngay gần cổng chính có một cây lớn đổ ngang đường khiến hàng trăm em học sinh phải đứng chờ khu vực ngã ba tiếp giáp với đường Lý Thường Kiệt . Tại trường THPT Lý Bôn,  cây lớn đổ ngổn ngang trên sân trường. Việc các nhà trường cho học sinh nghỉ học để dọn cây đổ và vệ sinh khu vực khuân viên đã khiến nhiều phụ huynh lúng túng, không biết gửi con ở đâu, không ít người phải chọn cách mang  con đến... công sở.

Ngay sau khi mưa bão ngớt, các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực để khắc phục hậu quả. Từ sáng sớm nhân viên điện lực, môi trường đô thị, viễn thông…đã huy động tối đa phương tiện và nhân lực tham gia dọn cây đổ, dựng cột điện,  nối đường dây vừa để giải phóng phục vụ giao thông đi lại, vừa để sớm khôi phục lại điện sáng và đường truyền thông tin liên lạc. Ngoài các lực lượng chức năng, theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết các cơ quan, đơn vị cũng đã huy động lực lượng tại chỗ tham gia thu dọn vệ sinh. Đặc biệt rất nhiều người dân sống ven các tuyến phố đã vào cuộc từ sớm, tích cực tham gia thu dọn cây cối ngã đổ, chặt bỏ cành cây chắn ngang đường khu vực phía trước cửa nhà mình. 

Theo thông tin ban đầu, cơn bão số 8 quét qua Thành phố đã làm 2 người thiệt mạng (tại phường Quang Trung và Kỳ Bá); khoảng 30% cây xanh bị ngã đổ; 100% diện tích lúa màu chưa thu hoạch bị ngập đổ (khoảng 2% tổng diện tích); 100% diện tích cây vụ đông ưa ấm (khoảng 1.000ha) bị dập nát hoàn toàn; 50% diện tích hoa và cây cảnh (khoảng 200ha) bị nát gẫy; 50% diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập tràn (khoảng 150ha). Bão cũng làm nhiều trường học trên địa bàn Thành phố bị tốc mái tôn chống nóng: Trường THCS Đông Thọ bị đổ 130m tường dậu, Trường Tiểu học xã Đông Hoà bị sập 100m2 nhà ăn…

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa