Thứ 2, 25/11/2024, 09:23[GMT+7]

Phát triển CĐCS ở Quỳnh Phụ: Vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ 4, 25/08/2010 | 08:09:27
1,409 lượt xem
Quỳnh Phụ có 70 CĐCS với gần 4.600 đoàn viên nhưng phần lớn là đoàn viên công đoàn khối các cơ quan hành chính sự nghiệp, giáo viên các trường học, cán bộ công chức xã, thị trấn. Số lượng công nhân viên chức lao động khối sản xuất kinh doanh ít, chỉ có 325 đoàn viên trong tổng số gần 2.000 lao động của 42 công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ siêu âm chẩn đoán cho bệnh nhân. Ảnh: Thành Tâm

Hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) hiện nay có không ít cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Có nơi cho rằng CĐCS làm việc nguyên tắc, máy móc, cứng nhắc, cái gì cũng theo văn bản, không quan tâm đến nguyện vọng, tâm tư của người lao động. Có nơi lại cho rằng công đoàn chỉ thiên về tình cảm, muốn “dĩ hoà vi quý” với công nhân, trở ngại cho công việc điều hành, quản lý nên không thu hút, lôi cuốn người lao động cũng như tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền trong việc tổ chức tuyên truyền, phát động các phong trào.

Song cũng rất nhiều nơi khi hỏi đến hoạt động CĐCS, vai trò của người cán bộ CĐCS thì cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và công nhân lao động nói: Tổ chức công đoàn có vị trí quan trọng, là người nối liền giữa Đảng, chính quyền với người lao động, đặc biệt công đoàn đã làm tốt chức năng người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vì vậy, hoạt động CĐCS ở những nơi này đạt hiệu quả cao, phát huy tốt các khả năng sẵn có, tạo mối quan hệ hài hoà giữa cấp uỷ, chính quyền và người lao động.

Đối với huyện Quỳnh Phụ, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, những năm qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện luôn xác định việc phát triển tổ chức CĐCS, đặc biệt là CĐCS khu vực ngoài quốc doanh là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, LĐLĐ đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên: lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân của lao động; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn về Luật lao động cho các chủ doanh nghiệp và người lao động. Các tài liệu về Bộ Luật lao động, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được phát đến tay người lao động, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ chức công đoàn...

Các đồng chí trong Ban chấp hành LĐLĐ huyện trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các chủ doanh nghiệp, công ty để vận động, tuyên truyền về tổ chức công đoàn và thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay huyện Quỳnh Phụ có 70 CĐCS với gần 4.600 đoàn viên nhưng phần lớn là đoàn viên công đoàn khối các cơ quan hành chính sự nghiệp, giáo viên các trường học, cán bộ công chức xã, thị trấn. Số lượng công nhân viên chức lao động khối sản xuất kinh doanh ít, chỉ có 325 đoàn viên trong tổng số gần 2.000 lao động của 42 công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phát triển CĐCS ngoài quốc doanh gặp khó khăn, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là các chủ doanh nghiệp né tránh việc thành lập. Thiếu tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, thường dẫn đến những thiệt thòi cho người lao động như: không được ký hợp đồng lao động, không có thẻ BHYT, BHXH, không được nâng bậc, thi tay nghề, không được chăm lo bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp lao động...

Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện không muốn thành lập tổ chức công đoàn, bởi theo họ vừa “khỏi phải lo” ký hợp đồng và thực hiện các chế độ cho người lao động, vừa “đỡ bị làm phiền” khi các tổ chức công đoàn cấp trên đến “thăm hỏi”. Hơn nữa, muốn thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp thì người lao động phải tình nguyện viết đơn gia nhập nhưng đa số công nhân lao động còn trẻ, xuất thân từ lao động nông nghiệp, chưa qua đào tạo cơ bản, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp và cũng chưa hiểu hết được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nhiều người lao động chưa yên tâm và xác định làm việc lâu dài trong doanh nghiệp, có tư tưởng chuyển nghề hoặc chuyển chỗ làm việc mới nên không thiết tha với việc đóng BHXH, BHYT và cũng chưa “mặn mà” với tổ chức công đoàn. Hơn nữa, họ cho rằng lại phải mất tiền đóng đoàn phí, mất thời gian và vào công đoàn cũng không hơn gì những người chưa vào công đoàn. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động không “mặn mà” với tổ chức công đoàn là kỹ năng tuyên truyền của cán bộ công đoàn cấp trên vẫn còn hạn chế.

Bài toán đặt ra đối với LĐLĐ huyện Quỳnh Phụ nói riêng, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh nói chung là làm sao để chủ sử dụng lao động và người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn. Để làm được điều đó, từng cấp công đoàn phải biết rõ được chỗ mạnh, chỗ yếu của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy hết khả năng, khắc phục những tồn tại, thiếu sót với mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đức Dũng

  • Từ khóa