Thứ 7, 23/11/2024, 23:33[GMT+7]

Phát huy vai trò của tăng ni trong bảo vệ môi trường

Thứ 6, 30/11/2012 | 09:35:20
1,014 lượt xem
Những năm qua, tăng ni trong toàn tỉnh không chỉ chuyên tâm thực hành giáo lý đạo Phật mà còn tích cực vận động tín đồ phật tử và cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.

Bà con giáo dân xã Quang Bình (Kiến Xương) dọn vệ sinh tại Nhà xứ Thôn Thượng

Từ nơi ăn, chốn ở, cách hành đạo, các vị tăng ni đều chú trọng nếp sống hài hòa với thiên nhiên. Ngôi chùa nào cũng có cây cối xanh tươi, rợp bóng mát, tỏa không khí trong lành, an bình, yên tĩnh, đã và đang thu hút tăng ni, tín đồ cũng như khách thập phương đến vãn cảnh, hít thở bầu không khí trong lành và tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Vì thế, tu sửa nơi thờ tự, trồng cây xanh làm đẹp khuôn viên, thường xuyên quét dọn, giữ cảnh chùa sạch sẽ, thanh tịnh là việc làm thường xuyên của các vị tăng ni. Ðiển hình như chùa Sùng Quang, xã Tân Lập hoặc chùa Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư), hoa lá đua nhau khoe sắc thắm, cây cối được chăm, tỉa, uốn lượn theo hình rồng, phượng…, từ phòng thờ, phòng ở, phòng nấu nướng đến nhà ăn đều ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Anh Quang, nhà sát chùa Sùng Quang tâm sự:  Nhà chùa thường nhắc nhở chúng tôi phải sạch sẽ, yêu thiên nhiên cây cỏ để bảo vệ sức khỏe.  Các hộ gia đình quanh chùa phát triển chăn nuôi đều tự ý thức xây hầm bioga, giữ gìn vệ sinh chung. Hàng tháng bà con vẫn cùng nhà chùa quét dọn ngõ xóm, làm cỏ, phát quang bụi rậm…

 

Trải qua hàng ngàn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, các thế hệ tăng ni đã và đang tích cực tham gia các lĩnh vực hoạt động xã hội. Nhiều vị đi đầu, làm gương, hăng hái vận động, tuyên truyền tăng ni, phật tử tôn trọng, bảo vệ môi trường như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Tuyên truyền thông qua các buổi thuyết pháp, giảng kinh, hành lễ, nhân tháng an cư, kiết hạ… tại chùa, niệm phật đường, trực tiếp ở gia đình phật tử và cộng đồng khi các vị tôn đức, tăng ni đến thăm, làm lễ; qua pa nô, áp phích, tờ rơi dán, treo, trưng bày trong khuôn viên chùa - nơi mọi người dễ thấy nhất. Nội dung tuyên truyền bám sát chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giá trị luân lý đạo đức, giáo lý, giáo luật của tôn giáo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; quyền lợi, trách nhiệm của tăng ni, phật tử, cộng đồng trong việc tham gia các tổ tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Chủ động tham gia cùng Ban công tác Mặt trận khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện; huy động nhân lực, vật lực đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường.

 

Một số chùa trồng cây phất lộc, cây sung lấy lá làm cành lộc phục vụ nhu cầu hái lộc đầu xuân của nhân dân đã góp phần hạn chế tình trạng bẻ cành, vặt lá, giữ màu xanh cho cây. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí của phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trong đó có tiêu chí gương mẫu học tập, xây dựng chùa xanh, sạch, đẹp. Ðến nay, toàn tỉnh có 2008 lượt chùa được công nhận “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trong đó 211 chùa đạt liên tục 5 năm liền, gần 200 vị tăng ni được UBND tỉnh, MTTQ các cấp khen thưởng. Ðể phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo trong bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức tập huấn truyền thông về môi trường cho các tăng ni, phật tử trong toàn tỉnh.

 

Công tác tôn giáo ở tỉnh ta hiện có “những con sâu làm rầu nồi canh” song không thể phủ nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Phật giáo với đời sống xã hội, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động, mang tính toàn cầu. Muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống không thể không chú trọng phát huy vai trò của tôn giáo, nhất là các vị tăng ni, phật tử.

Bài, ảnh: Ðỗ Hiền

 

  • Từ khóa