Thứ 7, 23/11/2024, 23:10[GMT+7]

Hội Phụ nữ Đông Hải 20 năm phối hợp "Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo"

Thứ 6, 14/12/2012 | 14:52:40
828 lượt xem
Suốt 20 năm qua, Hội Phụ nữ xã luôn chú trọng thực hiện chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo” góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn không có ma túy, mại dâm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc.

Phụ nữ xã Ðông Hải huyện Tiền Hải với nghề thêu. Ảnh: Thành Tâm

Ðông Hải (Tiền Hải) là xã xa trung tâm huyện, nằm gần cửa sông Trà Lý đổ ra biển, có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng ven biển. 100% nhân khẩu của xã đều ở các nơi khác trong tỉnh đến, có 1 nhà thờ xứ họ đạo. Vì vậy, nếu không tuyên truyền vận động tốt sẽ dễ xảy ra nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan trực tiếp đến chính sách dân tộc, tôn giáo. Nhận thức sâu sắc điều đó, suốt 20 năm qua, Hội Phụ nữ xã luôn chú trọng thực hiện chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo” góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn không có ma túy, mại dâm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc.

Chị Bùi Thị Na, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình hơn 15 năm qua cho biết: Ban Chấp hành Hội đã chủ động phối hợp với Ðồn Biên phòng 72 khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng, phong trào của phụ nữ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hoạt động phối hợp, có nội dung, tiêu chí cụ thể, phân công trách nhiệm cho mỗi bên, thường xuyên trao đổi, tham mưu những vấn đề phát sinh với cấp ủy, chính quyền để có giải pháp giải quyết kịp thời. Tổ chức triển khai, quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung Chương trình với đội ngũ cán bộ Hội từ xã xuống chi, tổ nhằm giúp chị em xác định trách nhiệm của mình, trở thành những tuyên truyền viên tích cực.

Bên cạnh đó, Hội chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương gắn với các lớp học tập chuyên đề của phụ nữ, như: Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam, Luật Phòng, chống tệ nạn xã hội, Luật bạo lực gia đình… Ðã tổ chức được 187 buổi, thu hút gần 218 nghìn lượt người tham gia. Nhân các ngày lễ, tết, các cấp Hội còn tổ chức toạ đàm, giao lưu văn nghệ, vận động 75 - 80% cán bộ, hội viên tham gia viết 21 đợt bài dự thi, trong đó cuộc thi viết bài “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia”, đạt nhiều giải thưởng tập thể và cá nhân. 

Những năm 1997 - 1998, nông thôn nhiều nơi trong tỉnh xảy ra mất ổn định về chính trị, Ðông Hải cũng là một điểm nóng. Bản thân chị Bùi Thị Na luôn kiên định lập trường, tư tưởng, kết hợp chặt chẽ với Ðồn Biên phòng 72 tỏa xuống cơ sở, nhất là các trọng điểm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, vướng mắc của nhân dân, vận động những người có uy tín trong dòng họ, cán bộ, hội viên phụ nữ và quần chúng mạnh dạn ngăn chặn hành động quá khích, không nghe luận điệu xảo trá lợi dụng tình hình gây rối an ninh trật tự và tham mưu, đề xuất nhiều phương án, giải pháp sát thực với cấp ủy, chính quyền nên đã giải quyết dứt điểm được vụ việc, góp phần ổn định tình hình địa phương. Sau thời điểm đó, Hội Phụ nữ càng đẩy mạnh hơn nữa Chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ các dân tộc, biên giới, hải đảo”, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng 4 tổ tự quản và mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Nắm bắt tình hình buôn bán phụ nữ trẻ em, gần gũi, động viên giúp 3 chị lấy chồng người nước ngoài về địa phương hòa nhập cộng đồng, tích cực lao động sản xuất.

Thất nghiệp, không có việc làm là nguy cơ cao nảy sinh tệ nạn xã hội, trộm cắp, ma túy, mại dâm. Vì thế, chị Na chủ động đi học nghề mây tre đan, móc sợi, đính hạt cườm, trở về kết  hợp cùng Ðồn Biên phòng 72 hàng năm mở 2 - 3 lớp dạy nghề cho chị em và trực tiếp làm tổ trưởng tổ hợp nghề. Tổ hợp nghề và cơ sở đính hạt cườm, làm sứa xuất khẩu do một số chị em làm chủ đã giải quyết việc làm cho trên 400 lao động, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng trở lên. Hội Phụ nữ đứng lên tín chấp với ngân hàng, thành lập 4 tổ vay vốn và tín chấp vay  trên 3 tỷ đồng, cho 221 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất.

Vận động cán bộ, hội viên quyên góp hỗ trợ 170 ngày công xây dựng 1 mái ấm tình thương, cùng Ðồn Biên phòng 72 hỗ trợ xây dựng 3 mái ấm tặng phụ nữ nghèo. Mỗi năm, phối hợp thăm tặng quà 1 - 2 phụ nữ tàn tật, độc thân; quyên góp ủng hộ 2 chị mắc bệnh hiểm nghèo 187 kg gạo, gần 1,6 triệu đồng. Riêng chị Na tặng gần 2 triệu đồng cho các gia đình nhân dịp khánh thành, trao nhà và tặng quà cho các cháu vui Tết Trung thu. Phụ nữ Ðông Hải thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực tham gia xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, bảo vệ rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng, diễn tập dân quân tự vệ, phòng, chống lụt bão… Hàng năm có 75 - 80% gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Ðến nay, tỷ lệ thu hút hội viên của Hội Phụ nữ Ðông Hải rất cao: 93,6% (cao hơn bình quân chung của toàn tỉnh 15%). Hàng năm, 100% chi hội xếp loại xuất sắc. 12 năm liền phong trào phụ nữ xếp thứ nhất toàn xã, 5 năm liền được Trung ương  Hội và UBND tỉnh tặng bằng khen…

Đỗ Hiền


  • Từ khóa