Chủ nhật, 24/11/2024, 06:01[GMT+7]

Phụ nữ năng động phát triển kinh tế

Thứ 5, 03/03/2022 | 08:11:59
3,076 lượt xem
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không còn đơn thuần giữ vai trò nội trợ, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã dần khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế. Với sự sáng tạo, năng động và chủ động, nhiều phụ nữ đã trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, chủ của các công ty, doanh nghiệp...

Dù dịch Covid-19 nhưng công ty do chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở thị trấn Hưng Hà làm giám đốc vẫn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ.

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn luôn là bài toán khó bởi lực lượng lao động này thường có trình độ tay nghề thấp, tính ổn định không cao, lại cần nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, họ ít có cơ hội chuyển đổi việc làm và tiếp cận thị trường lao động. Song tại nhiều địa phương, bài toán này đang từng bước có lời giải bởi chính những hội viên phụ nữ tự đứng ra xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh và sự vào cuộc tích cực của hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Kim Ngân do chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) làm giám đốc là một ví dụ. Hơn 70 lao động nữ ở Công ty có việc làm ổn định giữa dịch Covid-19 với thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Ngân cho biết: Trước tiên là làm cho mình, sau đó là cho chị em phụ nữ cái nghề nên tôi học hỏi, rồi đi làm thuê lấy kinh nghiệm. Sau đó tích góp được ít vốn thì mở cơ sở may gia công. Cứ lấy ngắn nuôi dài, từng bước vượt qua khó khăn thì có được công ty như hôm nay, là đầu mối của 9 cơ sở may gia công, dệt. Công ty có mối quan hệ bền vững với đối tác nên dù dịch Covid-19 khách hàng vẫn ưu tiên nhập hàng của Công ty. Chị Đặng Thị Huệ, khu 1, thị trấn Hưng Hà cho biết: Tôi làm ở Công ty của chị Ngân cũng khá lâu rồi, tiền công được 180.000 đồng/ngày tùy theo sản phẩm mình làm ra. Chị Ngân rất quan tâm đến lao động nữ, khi con chúng tôi ốm chị tạo điều kiện để chúng tôi chăm sóc, cũng có thăm hỏi lúc ốm đau hay lễ, tết. Dịch Covid-19 phức tạp, có một công việc ổn định như hiện nay là chúng tôi vui lắm. 

Cũng là người dám nghĩ dám làm, chị Vũ Thị Ánh, hội viên phụ nữ thôn Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã đặt niềm tin vào con rươi và cho hiệu quả khá cao. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, gia đình chị Ánh lấy giống rươi tự nhiên, đem về thả vào trong nước đầm rồi chủ động tháo cống cho nước ra vào đều đặn, sử dụng cám công nghiệp cho rươi ăn, đến kỳ sinh sản cứ thế rươi sinh sôi, nảy nở. Mỗi năm gia đình chị thu được từ 800 - 900kg rươi. Nuôi đến đâu bán cho các nhà hàng, quán ăn tại Thái Bình, Hải Phòng đến đó. Từ mô hình nuôi rươi, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị Ánh thu về từ 300 - 350 triệu đồng. 

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Trên thực tế, có nhiều phụ nữ nghèo cũng đang từng ngày cố gắng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm, xác định nguyên nhân và xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... tiếp tục được các cấp hội duy trì và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực khai thác vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, các cấp hội đang quản lý hơn 2.352 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các hoạt động tiết kiệm trong hội viên, phụ nữ tại chi hội luôn được duy trì để tạo nguồn vốn giúp đỡ hội viên nghèo. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động các nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp tài trợ 850 triệu đồng cho 170 hội viên nghèo vay với lãi suất 0% để phát triển kinh tế gia đình; năm 2021 các cấp hội đã hỗ trợ thành lập 1 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác của phụ nữ. 

Từ việc làm chủ được kinh tế, kinh tế dần ổn định nên phụ nữ có thời gian, điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình, nhiều chị em tích cực tham gia công tác xã hội, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương; học thêm các lớp về kinh doanh, làm đẹp, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, từng bước khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. 

Phụ nữ xã Bình Định (Kiến Xương) nhận hàng thủ công về làm tại gia đình. 

Xuân Phương