Chủ nhật, 24/11/2024, 00:13[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Chăm lo người có công

Thứ 2, 04/07/2022 | 22:18:38
2,697 lượt xem
Chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện sự biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để cuộc sống của người có công (NCC) và thân nhân NCC ngày một tốt hơn.

Lãnh đạo xã Hồng Tiến (Kiến Xương) thăm hỏi, động viên bà Bùi Thị Cách, vợ liệt sĩ nhân ngày 27/7.

Ông Nguyễn Văn Kiều ở thôn Tân Thành, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) nhập ngũ năm 1966, tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Trải qua những trận đánh ác liệt, 3 lần ông bị thương. Tháng 3/1971 là lần ông bị nặng nhất, phải đưa về hậu cứ để điều trị. Trở về quê nhà với những vết thương nặng trên người, bao năm qua ông vẫn luôn được quan tâm, chăm lo cuộc sống. 

Ông Kiều chia sẻ: Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước nồng nàn, bản thân tôi cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, khi đất nước cần thì chúng tôi không tiếc tuổi xuân để góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là thương binh, luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các ngành, các cấp nên tôi thấy ấm lòng bởi những hy sinh, cống hiến của mình được ghi nhận. 

Ông Kiều là thương binh hạng 1/4, hàng tháng được hưởng chế độ thương binh nặng và chế độ người nuôi dưỡng với mức trợ cấp, phụ cấp tổng cộng gần 8 triệu đồng. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước và của tỉnh, ông đều được cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà. Ông thuộc diện được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm theo quy định. 

Ông Nguyễn Văn Kiều, thôn Tân Thành, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) cảm thấy ấm lòng vì những hy sinh, mất mát của mình đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo. 

Ở thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến (Kiến Xương), bà Bùi Thị Cách là vợ liệt sĩ Trần Đức Hạnh, hy sinh tại chiến trường Tây Nam Bộ năm 1967. Một mình bà tần tảo nuôi hai người con khôn lớn, trưởng thành. Bà Cách tâm sự: Chồng tôi hy sinh khi mới 25 tuổi, bấy giờ hai con tôi còn rất nhỏ. Chiến tranh đã lùi xa, các con đều đã trưởng thành nhưng cả hai đứa đều lập nghiệp ở xa, chỉ có mình tôi sống trong căn nhà này. Mỗi dịp tết hay ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tôi đều được cán bộ địa phương thăm hỏi, động viên, trao quà của Chủ tịch nước và của tỉnh. 

Ông Lê Văn Lượng, công chức lao động - thương binh và xã hội xã Hồng Tiến cho biết: Hồng Tiến có 209 NCC đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Toàn xã có 151 liệt sĩ, 22 mẹ Việt Nam anh hùng, 44 thương binh, 23 bệnh binh, 52 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Những năm qua, công tác chăm lo cho NCC luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Địa phương triển khai tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” chu đáo, tổ chức thăm hỏi, tặng quà NCC vào dịp lễ, tết; rà soát, hỗ trợ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC. Bởi vậy, cuộc sống của NCC và thân nhân của họ ngày càng được nâng cao. 

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về đóng góp sức người với trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Chiến tranh kết thúc, Thái Bình là tỉnh có số liệt sĩ đứng đầu cả nước với hơn 52.000 người đã anh dũng hy sinh. 

Ông Bùi Văn Quyết, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 362.720 người đã được xác nhận, giải quyết chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, thân nhân NCC với cách mạng, người tham gia hoạt động kháng chiến hiện đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ; trong đó có 52.089 liệt sĩ; 5.483 mẹ Việt Nam anh hùng được tỉnh đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu (ngoài ra Thái Bình còn có 206 mẹ Việt Nam anh hùng đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu); 29.476 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 16.243 bệnh binh; 27.958 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, 75 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC và thân nhân NCC, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. 

Duy Tùng