Thứ 3, 19/11/2024, 13:47[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Biết ơn những người đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc

Thứ 3, 12/07/2022 | 06:56:42
3,349 lượt xem
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đi thăm và tặng quà thương binh, bệnh binh nặng là người con quê hương Thái Bình đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh ở một số tỉnh khu vực phía Bắc. Có đi, có gặp gỡ mới thấu hiểu phần nào những thiệt thòi, mất mát mà các thương binh, bệnh binh đã và đang phải gánh chịu. Họ đã hiến dâng một phần xương máu và tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để chúng ta có được tự do, hòa bình như ngày hôm nay.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho thương binh nặng Đinh Văn Bách.

Đến thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh nặng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng thương binh nặng Đặng Văn Chiến, quê ở xã Vũ Vinh (Vũ Thư). Cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1971. Trải qua những trận chiến đấu “vào sinh ra tử”, mặc dù không phải nằm lại chiến trường nhưng một phần xương máu của ông đã để lại đó. Trong một lần bị máy bay địch không kích, ông bị thương nặng và phải đưa về tuyến sau điều trị. Năm 1981, ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành và ở đây từ đó đến nay. Ông là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 91%, liệt nửa người, sức khỏe yếu nên ông liên tục được chuyển đi các bệnh viện tuyến trung ương cấp cứu, điều trị. Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đến nay đã hơn 41 năm, vì vậy ông coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Nỗi đau thể xác ông phải gánh chịu thật khó có thể bù đắp được.

Cũng là thương binh hạng 1/4, ông Đinh Văn Bách ở xã Sơn Hà (Thái Thụy) tham gia chiến đấu tại chiến trường B5, Quảng Trị. Ngày 29/4/1975, tức là chỉ 1 ngày trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông bị thương nặng trong trận đánh vào cửa mở Tân Uyên (thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay) để mở đường cho các lực lượng tiến vào. Ông được đưa về điều trị ở Bệnh viện Sài Gòn, sau đó được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành từ năm 1976 đến nay. Với ông Bách, nơi đây giờ cũng là quê hương thứ hai của mình. Ông tâm sự: Vì sức khỏe không cho phép, cũng ít khi tôi trở về Thái Bình. Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ, tết, nếu có mong muốn thì Trung tâm sẽ sắp xếp xe cho về thăm quê nhưng cũng chỉ được khoảng 10 ngày là phải quay lại Trung tâm ngay bởi với những vết thương mang trên mình, cuộc sống của tôi phải thường trực có các y bác sĩ chăm sóc.

Đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), chúng tôi gặp ông Bùi Văn Vuột, quê xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình). Ông nhập ngũ năm 1966, lái xe cho Binh đoàn Trường Sơn, 2 lần bị thương, trong đó có lần bị mảnh đạn găm vào đầu, tưởng đã hy sinh nơi chiến trường khốc liệt nhưng may mắn ông đã vượt qua. Năm 1971, ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng để điều trị và cũng ở lại đây từ đó đến nay. Hiện đang có 3 thương binh, bệnh binh nặng là người con của quê hương Thái Bình đang điều trị tại đây. Dù may mắn trở về sau chiến tranh nhưng tất cả đều mang trên mình những vết thương không thể chữa lành.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Những thương binh, bệnh binh nặng trở về với cuộc sống đời thường vẫn mang trên mình thương tích gây đau đớn về thể xác và tâm trí. Họ là những người gánh chịu nhiều mất mát và thiệt thòi nhất sau chiến tranh. Để bù đắp phần nào những mất mát của họ, cán bộ, nhân viên các trung tâm điều dưỡng thương binh luôn chăm sóc ân cần, chu đáo để những thương binh, bệnh binh vượt qua được nỗi đau thể xác, chiến thắng thương tật, sống vui, sống khỏe. Ông Vũ Văn Như, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: Đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 97 thương binh, bệnh binh nặng của 23 tỉnh, thành phố. Với trọng trách được giao, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên Trung tâm luôn nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, phục vụ các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Thái Bình tự hào là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về đóng góp sức người với trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hiện toàn tỉnh có 52.089 liệt sĩ; 29.476 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 16.243 bệnh binh; 27.958 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Thái Bình là địa phương thực hiện rất tốt chính sách đối với người có công và luôn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao. Chăm sóc người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự để đền đáp phần nào những hy sinh, mất mát của những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những thương binh, bệnh binh nặng là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và mất mát sau chiến tranh.

Duy Tùng