Thứ 3, 19/11/2024, 09:29[GMT+7]

75 năm “Đền ơn đáp nghĩa” ở Thái Bình

Thứ 2, 25/07/2022 | 10:01:53
2,348 lượt xem
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời, đóng góp trên 100 triệu ngày công, trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến...

Chăm lo cho gia đình chính sách luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm. Trong ảnh: Đại diện các cơ quan, đơn vị chung vui cùng bà Nguyễn Thị Vạnh, vợ liệt sĩ Lại Thế Liễn, thôn Kìm, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) trong ngày khánh thành nhà tình nghĩa.

Với những đóng góp to lớn đó, Thái Bình đã có 98 tập thể và 78 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 5.689 bà mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (trong đó tỉnh Thái Bình đề nghị phong tặng, truy tặng 5.483 mẹ; mẹ Việt Nam anh hùng là người Thái Bình được các địa phương khác đề nghị phong tặng, truy tặng là 206 mẹ); 52.089 liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công; trên 26 vạn người được thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, 75 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Giúp binh sĩ bị thương”, nhân dân Thái Bình đã tích cực quyên góp tiền mua thuốc men, vật dụng... tặng bộ đội và chiến sĩ bị thương. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi Nhà nước ban hành các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, các cấp chính quyền trong tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ “hưu bổng thương tật” đối với thương binh và “chế độ tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ. Ngoài ra còn ưu tiên chia công điền, công thổ cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nhiều cuộc vận động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ do trung ương phát động như thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Đón thương binh về làng” đã được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và thực hiện có kết quả.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Thái Bình đã tiếp nhận và giải quyết chính sách cho hơn 4.000 quân nhân phục viên về địa phương, 15.000 thương binh, bệnh binh miền Nam tập kết ra Bắc. Nhân dân trong tỉnh còn góp công, góp của cất bốc gần 8.000 hài cốt liệt sĩ quy tụ vào các nơi tập trung và xây dựng thành các nghĩa trang liệt sĩ. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với thương binh và gia đình liệt sĩ đã được thực hiện tốt như điều lệ ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ, chia cấp ruộng đất, giảm tô, giúp đỡ những NCC với cách mạng trong phong trào đổi công, hợp tác... Cuộc vận động “Đón thương binh về làng” phát triển thành phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Các mẹ, các chị đã đón nhận trên 1.000 thương bệnh binh nặng về gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, góp phần quan trọng để điều trị bệnh lý và ổn định sức khỏe cho anh em.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Thái Bình vừa tiếp tục động viên con em lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội và công tác thương binh liệt sĩ. Các cơ sở an dưỡng tiếp nhận thương bệnh binh gấp rút được thành lập, kịp thời đón 30.000 lượt thương bệnh binh về điều trị, an dưỡng và giải quyết chính sách. Ngoài ra, Thái Bình còn tiếp nhận hơn 5.000 thương bệnh binh tỉnh ngoài và gần 3.000 học sinh là con em của chiến sĩ đồng bào “tuyến lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị) về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục giải quyết các chính sách về thương binh, liệt sĩ, chế độ đãi ngộ NCC với cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC, Pháp lệnh Phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ, công tác thương binh, liệt sĩ và NCC của tỉnh Thái Bình ngày càng được coi trọng, được chỉ đạo chặt chẽ và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng cơ bản đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Đến ngày 31/12/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết, tham mưu giải quyết chế độ, chính sách và lưu trữ hồ sơ của 362.720 lượt NCC với cách mạng, thân nhân NCC với cách mạng, người tham gia hoạt động kháng chiến, trong đó có thân nhân của 52.089 liệt sĩ; 5.483 mẹ Việt Nam anh hùng; 29.476 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 16.243 bệnh binh; 27.958 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.673 cán bộ được công nhận người hoạt động cách mạng (HĐCM) trước ngày 1/1/1945; 382 cán bộ được công nhận người HĐCM từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; 5.193 người HĐCM bị địch bắt tù đày; 30 NCC giúp đỡ cách mạng; 1.415 người tham gia hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp hàng tháng và 222.769 hồ sơ của các trường hợp hưởng trợ cấp một lần. Hiện toàn tỉnh có 60.742 lượt NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng, trong đó số cán bộ HĐCM trước ngày 1/1/1945 và từ ngày 1/1/1945 đến ngày 19/8/1945 là 21 người; 104 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến 8 người; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 14.973 người; bệnh binh 8.222 người; thân nhân liệt sĩ hưởng tuất hàng tháng 13.906 người...

Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình, đối tượng chính sách, NCC, tạo điều kiện cho nhiều gia đình NCC vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; trên 99% số gia đình NCC có mức sống từ trung bình trở lên; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Hàng năm có gần 50.000 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hàng trăm nghìn NCC và thân nhân được cấp thẻ BHYT; gần 90.000 NCC, thân nhân liệt sĩ được tặng quà nhân dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ. Việc hỗ trợ nhà ở cho NCC được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 20.911 gia đình NCC với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở (trong đó, từ nguồn kinh phí ngân sách thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ 17.774 hộ, từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách tỉnh 3.137 hộ).

Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng mộ, nghĩa trang liệt sĩ cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 208 công trình ghi công liệt sĩ, 17.858 mộ liệt sĩ tại 100 nghĩa trang liệt sĩ. Các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững. Nhiều công trình đã trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật và giáo dục truyền thống như Đền thờ Liệt sĩ tỉnh; đền thờ liệt sĩ các huyện: Kiến Xương, Hưng Hà, Tiền Hải...

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tuổi trẻ Thái Bình có nhiều hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong ảnh: Bác sĩ trẻ khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với nước”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tập trung triển khai Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong đó tập trung vào những điểm mới, điểm điều chỉnh, bổ sung để làm sao tất cả NCC đủ điều kiện được hưởng chế độ đúng, đủ, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Hai là, những trường hợp còn chưa bảo đảm về thủ tục hồ sơ do những lý do khách quan đến nay chưa xác lập được hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xác minh; tham mưu cho tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng cũng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Ba là, tập trung thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, cụ thể là phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở; công tác quy tập hài cốt liệt sĩ; quan tâm nâng cấp, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ. Quan tâm chăm lo đời sống cho NCC kể cả về vật chất, tinh thần bằng các giải pháp, đặc biệt huy động nguồn xã hội hóa để nâng cao đời sống cho NCC để NCC có cuộc sống ổn định, qua đó đóng góp vào sự phát triển, kinh tế của địa phương.

Phí Ngọc Thành
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tuyển, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng)
Chồng và con trai tôi hy sinh vì Tổ quốc là mất mát lớn nhưng suốt mấy chục năm qua Đảng, Nhà nước, địa phương luôn quan tâm, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình đã phần nào xoa dịu nỗi đau mất người thân. Gia đình rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành. Năm nay tôi đã 86 tuổi, tâm nguyện của tôi là nhờ Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đồng đội giúp tìm hài cốt của chồng, đưa về đoàn tụ với con trai tại nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Đại tá Khiếu Quang Bình, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ năm 2013 đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay đã tìm kiếm, quy tập được 31 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương, phối hợp với các đơn vị trong tỉnh hoàn thành cơ bản rà soát hồ sơ, danh sách liệt sĩ, chuẩn hóa thông tin, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, khai thác phần mềm quản lý hồ sơ liệt sĩ hiệu quả.
Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ
Với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, 75 năm qua cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Phụ luôn duy trì các hoạt động đối với người có công, từ việc triển khai công tác quy tập hài cốt liệt sĩ; xây nhà ở cho người có công với cách mạng; giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ. Riêng trong 2 năm 2020, 2021, huyện đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng tôn tạo, tu bổ các cụm công trình ghi công liệt sĩ khang trang, sạch đẹp, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đồng chí Phạm Chí Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư
Với trách nhiệm là đơn vị cấp huyện thực hiện nhiệm vụ giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn, thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và chỉ đạo cán bộ lao động - thương binh và xã hội các xã, thị trấn thường xuyên rà soát người có công với cách mạng trên địa bàn huyện để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, giải đáp kịp thời các kiến nghị, thắc mắc của người có công, qua đó tạo sự tin tưởng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách.

Thương binh hạng 1/4 Vũ Văn Tinh, tổ 7, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình
Trở về sau chiến tranh với tỷ lệ thương tật trên 81%, những năm qua tôi luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và tạo điều kiện trong cuộc sống cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy của tôi sau hơn 40 năm thành lập không ngừng lớn mạnh, duy trì việc làm thường xuyên cho 32 lao động, chủ yếu là con các thương bệnh binh trong tỉnh với thu nhập ổn định. Sự quan tâm kịp thời sẽ là nguồn động viên để tôi và nhiều anh em thương bệnh binh có nghị lực vươn lên, góp sức xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Nguyễn Dũng