Thứ 2, 25/11/2024, 10:05[GMT+7]

Mang truyền thống anh hùng vào thời kỳ đổi mới

Thứ 6, 03/09/2010 | 08:42:13
1,542 lượt xem
Xã An Ninh (Tiền Hải) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 2001, An Ninh là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong thời kỳ đổi mới, xã nhanh chóng vươn lên trở thành điển hình mới về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay.

Ảnh: Thành Tâm

Anh hùng trong đấu tranh

An Ninh trước kia mang tên địa danh Trình Phố, tự hào là chiếc nôi sản sinh ra các danh nhân, sĩ phu yêu nước nổi tiếng như: Ngô Quang Bích, Ngô Quang Ðoan, Bùi Viện...

Nơi đây cũng là cơ sở đầu tiên của Thái Bình thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1927), tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xã có 1.700 thanh niên vào nam chiến đấu; 258 người hy sinh, 80 thương, bệnh binh. Hiện xã có 75 cán bộ lão thành cách mạng, 20 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Cụ Trần Ngọc Riệp, năm nay đã 84 tuổi, là một trong những giao liên tham gia hoạt động cách mạng thời bấy giờ, vẫn nhớ những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Ngày 14-7-1940, có tới 700 người dân Trình Phố kéo về mít-tinh tại đình làng, phát động quần chúng đấu tranh cách mạng.

Sau ngày 9-3-1945, mặc dù bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dữ dội, nhưng Chi bộ Trình Phố vẫn lãnh đạo quần chúng duy trì phát triển phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 21-8-1945, nhân dân Trình Phố tay cầm búa, cuốc xẻng... tập hợp về An Bồi (thuộc phủ Kiến Xương) mít-tinh, biểu tình, treo cờ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trình Phố là một trong những căn cứ cách mạng của toàn tỉnh.

Là nơi các cán bộ Trung ương, Xứ, Tỉnh ủy, Huyện ủy thường xuyên qua lại, những cuộc họp, lớp huấn luyện, nhà in của tỉnh thường đặt ở đây, được các gia đình cơ sở cách mạng và nhân dân bảo vệ, nuôi dưỡng chu đáo. Mẹ Nguyễn Thị Hoa 97 tuổi, Mẹ Việt Nam Anh hùng của xã, tuy không còn khỏe mạnh, nhưng vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi về những mất mát lớn lao của mình: Mẹ có bốn người con trai, người nào cũng chăm ngoan học giỏi.

Vì chiến tranh, các anh đều viết đơn xung phong ra chiến trường. Nhập ngũ đầu tiên là anh Ðinh Văn Vóc và đã hy sinh năm 1969 trong một trận đánh ác liệt với quân Mỹ, khi đó anh mới 24 tuổi. Nối tiếp gương hy sinh dũng cảm của người anh trai, những người con của mẹ Hoa nối tiếp nhau ra chiến trường.

 Rồi những tin đau đứt ruột, xé lòng lần lượt đến với mẹ, năm 1971 người con thứ hai hy sinh ở chiến trường Ðông Nam Bộ; năm 1972 người con thứ ba hy sinh ở đường mòn Hồ Chí Minh trong lúc vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường...

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xã An Ninh (Trình Phố) còn là địa phương dẫn đầu chi viện 65 vạn tấn lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

Năng động trong đổi mới

Thực hiện công cuộc đổi mới của Ðảng và Nhà nước, ngày nay An Ninh tiếp tục là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương, với tổng giá trị sản xuất hằng năm gần 75 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người hằng năm hơn 12,5 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Quỳnh cho biết: Phương châm phát triển kinh tế của xã là "lấy sức dân chăm lo cho dân", bằng cách huy động người dân giúp nhau phát triển kinh tế dưới nhiều hình thức cho vay không lấy lãi, hỗ trợ con giống, giúp chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển gia trại, trang trại...

Hiện An Ninh đã xây dựng thành công bốn cánh đồng tổng diện tích 120 ha, đạt giá trị sản xuất hơn 68,2 triệu đồng/ha/năm, trong đó có hai cánh đồng đạt từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/năm, năng suất lúa hằng năm gần 13 tấn/ha. Các tổ chức đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... còn tín chấp hàng chục tỷ đồng với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trên địa bàn An Ninh đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, có chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Qua cuộc vận động, đã góp phần phát huy dân chủ, động viên sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và bảo đảm an ninh - trật tự.

Trong đó xã xây dựng được năm tổ tự quản an ninh trật tự, có 86% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Hằng năm, xã quyên góp hơn 20 triệu đồng quỹ "đền ơn đáp nghĩa", xây dựng và tu sửa hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có tới 100% dòng họ trong xã tổ chức khuyến học, khuyến tài và trao thưởng hằng năm cho những em đạt thành tích cao trong học tập. Vì vậy, An Ninh luôn dẫn đầu huyện về phong trào học tập, trung bình mỗi năm có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Ðảng bộ xã rất chú trọng tới công tác xây dựng đảng, nhất là phát triển đảng viên trẻ, cho nên trung bình mỗi năm kết nạp được bảy đến tám đảng viên mới. Gìơ đây, diện mạo của vùng nông thôn mới và cuộc sống của người dân An Ninh đang ngày càng khởi sắc và phát triển. Cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống các trường học từ mầm non đến tiểu học, THCS được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại, hệ thống kênh mương cũng từng bước được cứng hóa...

Năm 2010, Ðảng bộ và nhân dân xã An Ninh đang tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhằm xây dựng An Ninh trở thành điểm mô hình nông thôn mới hiện đại, văn minh, giàu đẹp của tỉnh Thái Bình, xứng đáng là vùng quê cách mạng anh hùng.

Thanh Phú

  • Từ khóa