Thứ 3, 19/11/2024, 03:30[GMT+7]

Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng

Thứ 3, 27/09/2022 | 08:24:47
2,857 lượt xem
Mạng xã hội phát triển nhanh chóng thời gian qua đem lại nhiều thuận lợi cho người sử dụng nhưng cũng kéo theo không ít tác động tiêu cực, đặc biệt đối với trẻ em, lứa tuổi chưa có sự phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm.

Cần giáo dục bảo vệ hỗ trợ trẻ trên môi trường mạng.

Vợ chồng chị Hà Thị Thương (thành phố Thái Bình) có công việc bận rộn, thường đi làm từ sáng đến hơn 18 giờ mới về nhà. Do đó, sau khi đi học về, cháu Khoa 7 tuổi con của chị làm bạn với chiếc tivi có kết nối mạng internet. Ở đó, cháu có thể tự xem mọi thứ từ các bộ phim hoạt hình đến các chương trình giải trí của cả thiếu nhi lẫn người lớn. Thậm chí, giờ ăn cơm cũng thường hay ôm điện thoại vừa ăn vừa xem. 

Chị Thương chia sẻ: Bình thường con ăn bữa cơm rất mất thời gian, nhờ điện thoại hỗ trợ con mới hoàn thành bữa ăn của mình nhanh chóng. Chuyện nhà chị Thương không phải là hiếm gặp trong xã hội ngày nay, nhất là khi hầu hết các ông bố, bà mẹ đều bận rộn, không có nhiều thời gian chơi với con. Hình ảnh một em bé đang khóc bố mẹ không cần dỗ mà chỉ cần bật video trong điện thoại lên là bé có thể nín ngay đã trở nên quá quen thuộc với nhiều gia đình có con nhỏ.

Tại buổi hội thảo mới đây tại Hà Nội về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin: Bên cạnh những mặt tích cực như nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích hay tăng cường tương tác xã hội thì môi trường mạng internet cũng chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại. Vì vậy để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành thì điều quan trọng cần có sự quan tâm, quản lý của các bậc phụ huynh khi các em tương tác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo một khảo sát mới nhất ở trẻ độ tuổi 16 - 17, chỉ có 36% trẻ đã được hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trên không gian mạng. 

Còn tại Thái Bình, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyên truyền bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bảo đảm an toàn trên không gian mạng mới chủ yếu là tuyên truyền kết hợp với các nội dung tuyên truyền khác. Chưa có đơn vị, địa phương nào tổ chức tuyên truyền riêng về vấn đề này. Việc hướng dẫn trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng mới chỉ dừng lại ở việc giáo dục theo nhận thức của từng gia đình.

Chị Lê Thị Thảo (Đông Hưng) chia sẻ: Các bậc phụ huynh hiện nay hầu hết đều bận rộn với nhiều công việc nên việc quản lý, giám sát con khi xem các chương trình trên mạng bị hạn chế. Việc trên các ứng dụng, mạng xã hội xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh gắn mác dành cho trẻ em nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm khiến tôi rất lo lắng vì thấy các con thỉnh thoảng có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình. 

Anh Nguyễn Thành (thành phố Thái Bình) chia sẻ thêm: Do các con học tiếng Anh nên thường xuyên xem các clip tiếng Anh trên mạng. Tuy nhiên, khi không có sự kiểm soát của người lớn, các cháu sẽ truy cập vào các video có nội dung độc hại rồi có thể bắt chước theo. Đã có nhiều vụ trẻ em gặp nguy hiểm bởi vì làm theo các clip nhào lộn, chế tạo pháo...

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: Không thể phủ nhận những lợi ích của việc học trực tuyến cũng như tác động tích cực của những thông tin lành mạnh trên mạng đối với trẻ em. Tuy nhiên, nghiện mạng xã hội để lại hậu quả rất lớn với trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, khi trẻ đang có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và tinh thần. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, nhắc nhở, định hướng và điều chỉnh kịp thời của phụ huynh, thầy cô giáo, ngành chức năng thì vô tình những thông tin độc hại trên môi trường mạng có thể tác động xấu đến tâm sinh lý và hành động của trẻ. Trẻ có thể thu mình vào thế giới ảo để rồi xa rời thực tế, thậm chí các đối tượng xấu có thể lợi dụng môi trường mạng để dụ dỗ và xâm hại. Trước tình hình trên, để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ, ứng dụng viễn thông, internet và thông tin trên mạng. Phối hợp tiếp nhận, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại nhà trường, cộng đồng dân cư về phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, những kỹ năng nhận biết, phòng ngừa đối với tội phạm này. Bên cạnh đó, hơn ai hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi con em mình khi các em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội, đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, người dân nên trình báo với cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ngọc Mai