Thứ 3, 19/11/2024, 16:21[GMT+7]

Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động vì cuộc sống, tương lai của người khuyết tật và trẻ em mồ côi 

Thứ 3, 23/04/2013 | 10:42:12
1,426 lượt xem
Trong nhiệm kỳ III (2008 - 2013), hoạt động bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi ở Thái Bình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cuộc sống vật chất, tinh thần của gần 10 vạn người khuyết tật, trẻ em mồ côi trong tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao, có điều kiện tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế - xã hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Ảnh: Minh Sơn

Trong nhiệm kỳ III (2008 - 2013), hoạt động bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi ở Thái Bình có nhiều thuận lợi: nhiều chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước được ban hành; Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT - TMC) Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Cùng với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn của các cấp hội, các chương trình, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đã được hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Cuộc sống vật chất, tinh thần của gần 10 vạn người khuyết tật, trẻ em mồ côi trong tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao, có điều kiện tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế - xã hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

5 năm qua, Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh đã triển khai thực hiện 4 chương trình chủ yếu cùng nhiều hoạt động khác trợ giúp cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi bằng tiền và hiện vật quy ra tiền trị giá trên 13 tỷ đồng. Trong đó: ngành y tế đã triển khai mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở 286 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đã tổ chức cấp 1.991 xe lăn, 25 xe bại não, 115 xe đạp cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật trực thuộc Tỉnh hội từ năm 2009 đến nay đã trực tiếp và liên kết với các cơ sở ở cộng đồng dạy nghề cho 1.154 người khuyết tật. Mạng lưới dạy nghề cho người khuyết tật phát triển khá mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là hội viên tập thể của Hội (trong đó có 12 cơ sở được Sở Lao động - TBXH tỉnh cấp giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật).

Nhiều người khuyết tật đã trở thành ông chủ, bà chủ, sở hữu số vốn hàng tỷ đồng. Chương trình “Hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi tại xã xây dựng mô hình nông thôn mới” được triển khai tại các xã Nam Hải (Tiền Hải), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Hồng An, Độc Lập (Hưng Hà). Theo số liệu của Sở Lao động - TBXH, tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 26.069 người khuyết tật, trẻ em mồ côi được hưởng trợ cấp xã hội theo các nghị định 67 và 13 của Chính phủ. Hầu hết các đối tượng trên được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Tiêu biểu trong hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi là Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Thái Bình, Công ty cổ phần Du lịch và thương mại Hải Bình, Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng, Hội Doanh nhân nữ, Công ty TNHH ô tô An Thái, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thái Bình, Trường Đại học Thái Bình, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Phật giáo tỉnh, Hội Từ thiện thành phố Thái Bình cùng nhiều tổ chức, cá nhân khác… 5 năm qua, đã có 164 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH, Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh và các tổ chức khác tặng Bằng khen, Giấy khen và Kỷ niệm chương. Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh được Hội Chữ thập đỏ Việt Namon> tôn vinh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua hoạt động nhân đạo giai đoạn 2005 - 2010.

Đối với nhiệm vụ xây dựng quỹ hội, mặc dù Đại hội nhiệm kỳ 2008 - 2013 đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt khoảng 3 tỷ đồng (cả tiền và hiện vật quy ra tiền) song trên thực tế đã đạt trên 9 tỷ đồng. Trong thời điểm còn nhiều khó khăn của nền kinh tế, nguồn quỹ trên đã góp phần quan trọng tạo thuận lợi cho Hội mở rộng chương trình hoạt động, thiết thực giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, Nghị quyết Đại hội Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2008 - 2013 đã được triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mức so với yêu cầu. Tính thiết thực, hiệu quả của phong trào chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh ngày càng được khẳng định rõ nét. Khả năng sáng tạo, vượt khó vươn lên của người khuyết tật được khơi dậy và phát huy. Vai trò, vị thế của tổ chức hội ngày càng được nâng cao. Kết quả hoạt động của Hội đã thực sự góp phần vào chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đối với người khuyết tật, trẻ em mồ côi đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhà.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của các cấp hội cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: công tác tuyên truyền còn yếu; hoạt động của các chi hội xã, phường, thị trấn còn thiếu tính chủ động, chưa có hình thức hoạt động phù hợp, hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác vận động xây dựng quỹ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; tổ chức, bộ máy của hội từ tỉnh đến cơ sở tuy được kiện toàn một bước nhưng chưa đủ mạnh; công tác thi đua khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến về người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu chưa làm được thường xuyên.

Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Một là, phải luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự quan tâm của Trung ương Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để tạo nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Hai là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm gắn với nhu cầu thị trường.

Ba là, chăm lo xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nghề công tác xã hội.

Bốn là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hóa, linh hoạt, phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật, trẻ em mồ côi với phương châm “Hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở”. Tăng cường tổng kết thực tiễn, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội, kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình, các nhân tố mới.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - TBXH là cơ quan bảo trợ cho hội và các đơn vị có liên quan nắm tình hình người khuyết tật và lao động là người khuyết tật, từ đó tham mưu cho tỉnh có chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Phát huy kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, nhiệm kỳ 2013 - 2018, các cấp hội bảo trợ NTT - TMC trong tỉnh cần tập trung thực hiện 5 chương trình hoạt động chủ yếu đối với người khuyết tật, trẻ em mồ côi gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Đồng thời mở rộng các hoạt động thông tin, các hình thức vận động ủng hộ xây dựng quỹ; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức hội và nâng cao năng lực người làm công tác hội với tinh thần “Tất cả vì người khuyết tật và trẻ em mồ côi”.

Nhân dịp này, Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh trân trọng bày tỏ lòng biết ơn và tin tưởng sâu sắc rằng thời gian tới sẽ được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ của Trung ương Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng các tầng lớp nhân dân để các cấp hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mai Xuân Trường

(Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT - TMC tỉnh Thái Bình)

  • Từ khóa