Thứ 7, 23/11/2024, 10:45[GMT+7]

Những người làm nghề “đồng nát”

Thứ 4, 24/04/2013 | 17:02:48
8,112 lượt xem
Ở nông thôn nhiều người chọn nghề đồng nát hay còn gọi là nghề thu gom phế liệu, thu nhặt ve chai. Tuy không “sang” song đó là “cần câu cơm” mưu sinh hằng ngày của một số người dân trong thời gian nông nhàn.

Những người đi mua phế liệu đều có tên chung là “đồng nát” bởi chẳng ai cần biết tên thật của họ. Mỗi lần họ rao “Ai… đồng nát, sắt vụn bán đi”. Nếu ai đó có nhu cầu bán thì gọi lại một tiếng “đồng nát ơi…”, ngay lập tức họ dừng bước. Đồ họ mua là sắt, thép vụn, chai lọ, bao bì ni lông, vỏ lon bia, đồng nhôm… rồi đem bán lại cho các đại lí thu mua phế liệu. Mỗi ki-lô-gam chỉ lãi vài trăm đến vài nghìn đồng nhưng “năng nhặt, chặt bị”, buổi nhiều bù buổi ít, mỗi buổi họ cũng kiếm được vài chục đến vài trăm nghìn đồng, người nào khéo mua, khéo bán thì có thể còn lãi cao hơn. Tuy vất vả, nhưng hầu như ngày nào đi về cũng có tiền.

Thời điểm này lượng phế liệu nhiều vì sau Tết những lon bia, chai lọ từ nhà dân rất sẵn. Chính vì vậy tháng sau Tết được coi là tháng “ăn nên làm ra” của những người mua bán ve chai. Nếu ngày thường 1 vỏ lon bia mua 2 trăm đồng, những ngày sau Tết chỉ mua 1 trăm đồng, thậm chí có thể dễ dàng lượm được ở vệ đường hay xô rác.

Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Quang Bình, Kiến Xương) - một người gắn bó với công việc này gần chục năm nay chia sẻ: “nói vất vả thì cũng chẳng vất vả lắm nhưng không phải ai cũng gắn bó lâu được với nghề này. Có người gặp may thì mua được nhiều nhưng có người đi mỏi cả chân mà mua được chẳng đáng là bao.  Mình phải đi sớm kẻo người khác mua hết. Hôm nào may mắn cũng kiếm được hơn trăm ngàn nhưng có hôm mua được ít thì  chỉ vài ba chục ngàn thôi”.

Những người làm nghề đồng nát thường đi cả ngày, buổi trưa thì tập trung tại chỗ thu mua phế liệu hoặc sân vận động mang cơm đem sẵn từ nhà ra ăn, mắc võng nghỉ ngơi chút ít rồi lại lên đường. Vất vả là vậy, nhưng với những người như chị Thanh lại là thu nhập chính. Thế nên, quanh năm suốt tháng họ gắn bó với chiếc xe đạp rong ruổi khắp ngõ xóm hơn là có mặt trên những sào ruộng.

Không cần nhiều vốn liếng, không cần trình độ, chỉ cần chút nhanh nhẹn cộng với tiếng rao đều đều quen thuộc là có thể trở thành một “bà đồng nát” chính hiệu. Mỗi vòng xe của họ là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại... và hành trình mưu sinh của những người phụ nữ đó ẩn chứa bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Nghề này, vốn ít, lãi nhiều do tâm lý người bán muốn “tống khứ” đồ cũ cho gọn nhà nên rẻ cũng bán.

Chị Nghiêm Thị Đông, xã Quang Minh (Kiến Xương) tâm sự: “Hôm trước tôi mua được chiếc xe đạp cũ giá chưa đến 100 nghìn đồng, về sửa lại một chút thế là các cháu ở nhà có xe đạp để đi học…”. Chị Lê Thị Ngọc làm nghề này cũng được gần 5 năm nay. Chị đi suốt năm chỉ nghỉ vài ngày cấy cày, gặt hái. Chị Ngọc tâm sự: Hai con đi học đại học (cậu lớn học năm thứ 5, Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu thứ hai cũng năm thứ 3, Đại học Mở Hà Nội), mừng thì cũng mừng thật đấy nhưng mà cũng lo lắm. Nhà nông thu nhập chính là vài sào ruộng khoán mà mỗi tháng vợ chồng chị lại phải xoay làm sao cho đủ năm, sáu triệu đồng để cho con ăn học. Khó khăn nhưng vợ chồng chị đã thống nhất, phải quyết tâm cho các con ăn học nên người… Chính những đồng tiền chắt chiu từ đống phế liệu kia đã nuôi biết bao người con vào đại học, thành tài. Nhờ đó mà họ càng nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống hơn. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, từ sáng sớm chị Ngọc đi hết các ngõ xóm trong thôn và các xã lân cận để thu mua phế liệu. “Nhiều hôm đi xa mua hàng đến bữa mà không kịp về tôi chỉ mua tạm gói mì rồi nhờ nhà dân pha ăn cho xong bữa...”.

Nghề đồng nát cơ cực là thế nhưng các bà, các chị vẫn chịu khổ, chịu khó để hi vọng “củng cố đời con”. Sự tảo tần của người phụ nữ Việt Nam, sự hi sinh hết lòng vì con cái đã làm cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm này mạnh mẽ hơn trên mỗi vòng xe kiếm sống.

Tuyết Nhung

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa